Những khoản tiền tăng theo lương cơ sở

29/03/2023 - 07:26

 - Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Khi tăng lương cơ sở, các khoản tiền dành cho người lao động (NLĐ) sẽ tăng theo.

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Hiện hành, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, thực hiện từ ngày 1/7/2019 (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP). Như vậy, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng 20,8% so hiện hành. Khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho NLĐ sẽ được điều chỉnh tăng thêm, theo các nhóm dưới đây:

Thứ nhất, tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau. Theo Khoản 3, Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Khi tăng lương cơ sở, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau sẽ tăng lên 540.000 đồng (hiện là 447.000 đồng). Tương tự, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản (Khoản 3, Điều 41 Luật BHXH) cũng tăng lên 540.000 đồng.

Thứ hai, tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Điều 38 Luật BHXH quy định, lao động nữ sinh con hoặc NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, thì được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng NLĐ nhận con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Theo đó, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sẽ được tăng lên 3,6 triệu đồng (hiện là 2.980.000 đồng).

Thứ ba, tăng mức trợ cấp 1 lần. Điều 46 Luật BHXH quy định NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp 1 lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở (tức 9 triệu đồng, so với hiện hành là 7.450.000 đồng). Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (tức tăng thêm 900.000 đồng). Ngoài mức trợ cấp nêu trên, còn được hưởng thêm trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH; từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Thứ tư, tăng mức trợ cấp hàng tháng. Điều 47 Luật BHXH quy định NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Như vậy, cứ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 540.000 đồng (hiện là 447.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 36.000 đồng (hiện là 29.800 đồng). Ngoài mức trợ cấp quy định tại Điểm a khoản này, hàng tháng còn được hưởng thêm trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH; từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Thứ năm, tăng mức trợ cấp phục vụ. Cụ thể, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù 2 mắt hoặc cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 47 Luật BHXH, hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở (tức 1,8 triệu đồng so với mức 1.490.000 đồng hiện nay).

Thứ sáu, trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Điều 51 Luật BHXH quy định NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (tức 64,8 triệu đồng). Theo đó, mức trợ cấp 1 lần khi chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng đến 11.160.000 đồng so với mức trợ cấp hiện nay (53.640.000 đồng).

Thứ bảy, tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật. Khoản 2, Điều 52 Luật BHXH quy định mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật 1 ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình (mức hưởng bằng 450.000 đồng); bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung (mức hưởng bằng 720.000 đồng, hiện 596.000 đồng).

Thứ tám, điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng được nhận. Theo Khoản 5, Điều 56, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 bằng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng (hiện là 1.490.000 đồng), trừ trường hợp quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 3, Điều 54 Luật BHXH.

Thứ chín, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp mai táng, người lo mai táng sẽ được nhận 1 lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (tương ứng 18 triệu đồng). Khoản 1, Điều 68 quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng); trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (tăng từ 1.043.000 đồng lên mức 1.260.000 đồng).

Thứ mười, tăng mức hưởng lương hưu với NLĐ vừa đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Điều 71 quy định, NLĐ có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc; mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, trừ đối tượng quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH.

K.N

 

Liên kết hữu ích