Long Xuyên bắt đầu tạm xa chuỗi ngày chao chát nắng để đón hàng loạt ngày mưa tầm tã. Mưa thì mưa, gia đình chị Lăng Thị Ngọc Cúc (sinh năm 1979) vẫn háo hức kêu xe chở đồ đạc qua nhà mới, chọn vào ở đúng vào mùng 9 (âm lịch) “cho nó hên”. Nói chở đồ cho sang, chứ sau mười mấy năm ở trọ, gia tài của họ chỉ có ti vi, tủ quần áo, chiếc giường đơn… của người khác cho hoặc vay mượn để mua. Những đồ dùng cũ kỹ ấy lọt thỏm trong căn nhà mới. Rồi gia đình chị được tặng thêm cây quạt to, bộ nồi chảo, nồi cơm điện, chục ký gạo… trong hôm bàn giao nhà. Cây quạt với bộ nồi chảo chị đem ra sử dụng, còn nồi cơm thì cất kỹ, để dành mai mốt. Đứa con út của chị cứ thích thú chạy tới chạy lui trong căn nhà. Không thích sao được, từ lúc sinh ra đến giờ, lần đầu tiên cậu bé được sống ở nhà mới, rộng rãi, sạch sẽ đến vậy. “Chồng tôi làm hồ, tôi bán vé số, vất vả lắm mới cho 2 con đi học, nói gì tới chuyện mua đất cất nhà. Ở trọ miết, tính ra cũng gần bằng tiền cất nhà mới!” - chị Cúc tóm tắt hoàn cảnh của mình. Đêm họ mới dọn về, ông trời vỗ đám mưa thật to, suốt mấy giờ liên tục. Vợ, chồng chị và 2 con nằm bên cạnh nhau, nghe mưa nặng hạt mà lòng nhẹ tênh.
Cũng như chị Cúc, nhiều người trong xóm nhà trọ cũ của chị tất bật dọn về nơi ở mới. Họ quen mặt nhau trong lúc ở đậu ở thuê, nay lại làm hàng xóm ở Khu dân cư ĐĐK phường Mỹ Hòa, nên cứ nhìn nhau cười suốt. Cuộc sống của họ bắt đầu sang trang. Con đường về nhà đã khác trước, nhịp sinh hoạt phải thay đổi ở môi trường mới, nhưng ai nấy đều bằng lòng, hạnh phúc với sự mới mẻ này. Cả ngày bôn ba mưu sinh, họ cảm thấy ấm lòng khi biết, có một nơi chốn thật sự thuộc về họ, đang chờ họ trở về!
“Với quyết tâm hướng đến mục tiêu xóa nghèo bền vững vào năm 2020, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp và Nhân dân đã chung tay thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn 0,7%. Từ đầu năm 2018 đến nay, TP. Long Xuyên đã xây dựng 180 căn nhà ĐĐK trị giá hàng chục tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, từ quỹ “Vì người nghèo” và ngày công đóng góp của Nhân dân. Đáng phấn khởi, địa phương đã tạo quỹ đất xây dựng các khu dân cư cho hộ nghèo (Mỹ Hòa, Mỹ Khánh, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng) với quy mô 184 căn, trị giá trên 8,7 tỷ đồng. Đến nay, đã xây dựng và bàn giao được 166 căn; sẽ tiếp tục mở rộng thêm ở một số phường, xã trong thời gian tới. Đến năm 2020, phấn đấu 100% hộ nghèo đều có nền và nhà ở; TP. Long Xuyên không còn hộ nghèo”- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái chia sẻ.
Tham dự lễ khánh thành Khu dân cư ĐĐK phường Mỹ Hòa, biết được mô hình cất nhà cho hộ nghèo không có nhà, đất ở của Long Xuyên, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thốt lên: “Đây là công trình hết sức ý nghĩa, là khu dân cư kiểu mẫu ĐĐK cho hộ nghèo! Một khu dân cư tập thể với từng căn nhà được vận động xây cất từ nhiều nguồn đóng góp, hoàn toàn đúng với từ “ĐĐK”! Địa phương đã “góp gió thành bão”, gom góp kinh phí để xây dựng cho mỗi hộ gia đình nghèo được “an cư lạc nghiệp”, mà nói như các hộ dân “nằm mơ cũng không thể nghĩ một ngày nào đó mình sẽ có nhà”. Mô hình của TP. Long Xuyên đã tạo sức lan tỏa to lớn, khi cả nước đang chung tay thực hiện an sinh xã hội “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh An Giang, sự sáng tạo của TP. Long Xuyên, các phường, xã để có những khu dân cư như thế này. Từ đó, nghiên cứu nhân rộng mô hình ra trên địa bàn tỉnh và cả nước”.
Ông Trần Thanh Mẫn nhắn nhủ: sau khi hỗ trợ nhà ở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn về vốn để họ có điều kiện sản xuất - kinh doanh; giúp họ được đào tạo nghề, tìm việc làm; đảm bảo về y tế, học tập. Đối với các gia đình được trao tặng nhà, cần nỗ lực phấn đấu vươn lên, tìm cách thoát nghèo cho mình, đặc biệt là đầu tư cho con em được học hành đến nơi đến chốn, nâng cao dân trí. Sống trong khu dân cư, mỗi người cần giữ vệ sinh môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp” ở trong nhà, ngoài ngõ; đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tệ nạn xã hội. Ông Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1979) nói với tôi mà như hứa với lòng: “Chúng tôi không thể ỷ lại vào Nhà nước, nhất định phải vươn lên, tự xây dựng tương lai vững chắc cho chính mình. Đã “an cư”, chắc chắn sẽ có ngày “lạc nghiệp”!”.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH