Vợ chồng ông Tôn Văn Xiêm sinh được 5 người con: ông Tôn Văn Quý, bà Tôn Thị Khuê, ông Tôn Văn Lâu, Tôn Văn Đề và Tôn Văn Thông. Sau đó, ông Tôn Văn Đề sinh được 4 người con: Tôn Đức Thắng, Tôn Thị Kiệm, Tôn Đức Nhung và Tôn Thị Én.
Đến đời mình, Bác Tôn và vợ (Đoàn Thị Giàu) sinh được 2 người con gái: Tôn Thị Hạnh, Tôn Thị Nghiêm. Bác Tôn còn có cô con gái nuôi Tôn Tuyết Dung, Tôn Thị Ngọc Quang. Hiện nay, con, cháu (ruột thịt lẫn dòng tộc) của Bác đang sinh sống chủ yếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xã Mỹ Hòa Hưng. Đó là những nội dung cơ bản tôi tìm hiểu được trong bảng gia phả dòng họ Tôn, gia phả gia đình Bác Tôn tại phòng trưng bày chuyên đề “Bác Tôn - câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư” (Bảo tàng An Giang).
Trong ấn tượng của mọi người, Bác Tôn là người rất đặc biệt, luôn dành tình cảm cho người thân của mình, cũng được người thân yêu quý hết mực. Điều đó thể hiện rất rõ qua những lá thư tràn đầy yêu thương mà Bác đã gửi và nhận được.
Điển hình như câu chuyện “khuyên vợ lấy chồng khác” giữa vợ, chồng Bác. Năm 1929, Bác bị địch bắt, đày ra Côn Đảo với án 20 năm khổ sai. Nghĩ mình đã khổ, không nên để vợ, con khổ theo, Bác viết lá thư khuyên vợ lấy chồng khác. Ít lâu, Bác nhận được thư của vợ.
Thư rằng: “Anh Tôn Đức Thắng thân mến, xin báo để anh biết tôi đã lấy chồng, chồng tôi tên là Tôn Đức Thắng, người Long Xuyên, chúng tôi ăn ở với nhau đã có 3 mụn con 1 trai 2 gái, đứa con trai chẳng may sớm qua đời. Tôi sẽ trọn đời sống cùng chồng tôi mặc dù anh ấy đang bị tù đày nơi hải đảo xa xôi”. Ngắn gọn thế thôi, mà tràn đầy tình nghĩa phu thê, son sắt!
Một lá thư Bác Tôn gửi các cháu
Có lẽ chẳng mấy ai cầm được nước mắt khi đọc lá thư Bác Tôn gửi mẹ: “Kính thưa mẹ! Từ nơi xa con kính gửi thư này về thăm mẹ, con rất đỗi buồn lo không biết mẹ có còn sống với con cháu không? Mẹ đã luống tuổi rồi. Chẳng may mẹ mà có bề nào mà chẳng được thấy mặt con, và con không thọ tang được cho phải đạo làm con, thì đau đớn biết nhường nào. Giặc còn giày xéo quê hương, con bận lo việc nước chưa tròn, chữ trung chưa trọn, chữ hiếu cũng chưa xong. Xin mẹ hiểu lòng con, tha lỗi cho con, mong sớm đến ngày độc lập, được sớm về quỳ bên cha mẹ để nhận hết cái lỗi phải xa cha mẹ từ ngày con biết tự bước lên đường đời…”.
Nhà văn Mai Văn Tạo đã khẳng định: “Đạo lý truyền thống hiếu thảo sáng ngời với cha mẹ đọng lại mãi trong bức thư của người con ngót 60 tuổi gửi về thăm mẹ đã trên 80 tuổi khiến chúng ta thật sự xúc động và học tập”.
Đối với con, cháu, Bác Tôn luôn gửi theo sự quan tâm, thương yêu kèm với những bài học làm người sâu sắc. “Trong những bức thư Bác gửi cho vợ, chồng tôi trong thời điểm khó khăn nhất - đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc - đã giáo dục, động viên chúng tôi rất nhiều về mọi mặt” (bà Tôn Tuyết Dung, con nuôi của Bác). “Trong bối cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc, 3 chị, em chúng tôi phải đi sơ tán. Ông đã gửi thư, dạy chúng tôi rèn luyện tính tự lập trong cuộc sống dù bất cứ hoàn cảnh nào” (bà Tưởng Bích Vân, cháu ngoại Bác Tôn).
Vị Chủ tịch nước dặn dò các cháu mình đơn giản mà sâu sắc: “Các cháu cần lao động tốt, lao động là luyện tập cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cho được dẻo dai, lanh lẹ, thông thạo trong sản xuất. Sản xuất tốt giúp tăng sự dinh dưỡng cho bản thân, tăng sức cung cấp của Nhà nước cho tiền tuyến chống Mỹ cứu nước”.
Cách dạy dỗ của Bác đã tạo ra nhiều thế hệ con, cháu sống có ích cho đất nước, như người cháu ngoại nuôi Nguyễn Thanh Bình bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi nhận được thư ông gửi, vì nghĩ rằng ông đang giữ một cương vị trọng trách cao của Nhà nước như vậy mà vẫn quan tâm đến đứa cháu đi bộ đội, và đã có những lời khuyên nhủ, động viên. Tôi rất phấn khởi, xúc động và thầm hứa với mình, luôn ghi nhớ lời ông dạy bảo, giữ vững truyền thống của gia đình, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.
Cha mẹ thân sinh của Bác Tôn
Nếu có dịp, bạn hãy đến xem trưng bày chuyên đề “Bác Tôn - câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”. Ở đó, có nội dung những lá thư của Bác gửi cho con, cháu vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX - khi đất nước còn bị chia cắt và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đang diễn ra ác liệt. Ở đó, có những tâm sự của chính con, cháu Bác.
Họ nhớ về người ông, người cha với tấm lòng yêu thương, đã dạy dỗ họ rèn luyện tính tự lập, cách sống kiên cường, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, có trách nhiệm không chỉ với chính gia đình mình, mà còn là nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội. Để rồi, lại tự chiêm nghiệm về môi trường giáo dục trong gia đình mình, trăn trở làm cách nào gìn giữ truyền thống quý báu của dân tộc ngàn đời, như câu chuyện của dòng họ Tôn.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG