Trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Đại đội phó Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên xông vào sở chỉ huy địch, cắm cờ lên lô cốt Him Lam. Liệt sĩ Trần Can hy sinh anh dũng sáng 7/5/1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa: Tư liệu TTXVN
Theo đó, 6 bộ phim được chiếu trong dịp này gồm: “Điện Biên Phủ”, “Hồi ức Điện Biên”, “Chuyện những người lính già”, “Đồng hành cùng lịch sử”, “Chia lửa cùng Điện Biên”, “Điện Biên Phủ niềm hy vọng”.
Trong đó, phim tài liệu “Điện Biên Phủ” được thực hiện bởi các nghệ sỹ: Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Phụ Cấn vào năm 1964, kể về trận đấu kéo dài 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, miền Tây Bắc Việt Nam. Quân Pháp đại bại. Chiều ngày 7/5/1954 toàn bộ số quân Pháp còn sống sót, trong đó có tướng De Castries đã đầu hàng không điều kiện.
Phim “Hồi ức Điện Biên” sản xuất năm 1994, do các nghệ sỹ: Lò Minh, Hồ Trí Phổ, Trần Quí Lục, Trần Văn Thủy, Đỗ Khánh Toàn, Nguyễn Thước thực hiện. Phim khái quát lại quá trình vận động của cuộc kháng chiến thần thánh và kết thúc bằng chiến dịch lịch sử mùa hè năm 1954, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Thông qua lời kể của các sỹ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chân lý đã được khẳng định: Khi có lý tưởng thì con người không ngại hy sinh chính bản thân để giành chiến thắng.
Phim “Chuyện những người lính già” của đạo diễn Dương Ngọc Hòa, sản xuất năm 2017, là những hồi ức của các cựu chiến binh - những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước.
Phim “Chia lửa cùng Điện Biên” của đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, sản xuất năm 2024, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một dấu son oai hùng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Bộ phim ca ngợi những đóng góp của quân và dân Liên khu V đối với cuộc kháng chiến của dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ cho trận đánh cuối cùng của quân đội ta trên chiến trường Điện Biên. Qua đó khẳng định tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự tài tình của Quân ủy Trung ương và các cấp lãnh đạo Liên khu V trong hai năm cuối của cuộc kháng chiến (1953-1954).
Phim “Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng” sản xuất năm 1984, do các nghệ sỹ: Đào Trọng Khánh, Lưu Xuân Thư, Lưu Hà thực hiện. Phim “Đồng hành cùng lịch sử” do nghệ sỹ Nguyễn Quang Tuấn - Nguyễn Ngọc Dịu thực hiện năm 2024. Bộ phim khái quát lại diễn biến chiến dịch, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, những chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đã chọn Điện Biên làm quê hương mới. Họ cùng nhau chung sức góp phần hồi sinh mảnh đất chiến trường năm xưa. Bảy mươi năm chiến tranh đã lùi xa, Điện Biên hôm nay khởi sắc về mọi mặt. Tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ toàn Đảng, toàn quân và dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại diện Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, đây là những bộ phim do các nghệ sỹ của Hãng thực hiện trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược và quá trình xây dựng, phát triển đất nước cho đến ngày nay. Sau 70 năm xây dựng và phát triển, Điện Biên Phủ đã trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc, diện mạo thay đổi từng ngày, giờ đây Điện Biên Phủ là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, cuộc sống đồng bào các dân tộc được ấm no hạnh phúc trong hòa bình.
Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ hy vọng sẽ làm cầu nối giữa khán giả với lịch sử dân tộc, giữa vùng đất Điện Biên anh hùng với cả nước để lớp lớp thế hệ mãi biết ơn, tri ân và tự hào vì cha ông ta đã làm nên lịch sử hào hùng và vị thế của đất nước Việt Nam hôm nay.
Phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng từ ngày 3/5 đến ngày 5/5/2024 Tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).
Theo TTXVN