Hội thảo được tổ chức bởi sự phối hợp từ Trường ĐH An Giang với Trường ĐH Assumption (Thái Lan) và ĐH Giessen (Đức), với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước như: ông Stefan Hase-Berge, Giám đốc Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tại Việt Nam, Lào, Campuchia, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh), GS. Detlef Briesen (Trường ĐH Giessen, Đức), TS Michael Waibel (Trường ĐH Hamburg, Đức), TS Aaron Loh (Trường ĐH Assumption, Thái Lan) và các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên từ các viện, trường trong nước và quốc tế, đại diện các sở, ban, ngành lĩnh vực VH - xã hội trong tỉnh.
Chuẩn bị cho hội thảo quốc tế, Ban tổ chức đã nhận 199 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và tuyển chọn 170 tham luận xuất sắc làm thành kỷ yếu, trong đó có 34 tham luận được trình bày tại các phiên làm việc của hội thảo, với nội dung tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính: VH, nhận thức, tôn giáo và tín ngưỡng; VH tổ chức đời sống; VH ứng xử với môi trường.
Qua 2 ngày làm việc tích cực, các nhóm thảo luận đã làm rõ những vấn đề như: mối quan hệ giữa triết lý, triết lý nhân sinh và triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, những nhân tố dẫn tới sự hình thành và chi phối triết lý nhân sinh của cư dân Nam Bộ truyền thống và hiện tại, triết lý nhân sinh của các tộc người sinh sống tại vùng đất Nam Bộ thông qua khía cạnh trong đời sống VH vật thể (mưu sinh, trang phục, cư trú, đi lại, kiến trúc…), triết lý nhân sinh của các tộc người sinh sống tại Nam Bộ thông qua các khía cạnh trong đời sống VH phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật, giao tiếp ứng xử, chính trị, ngoại giao…), biểu hiện của triết lý nhân sinh trong các nghi lễ vòng đời, nghi thức chuyển đổi trong đời sống của cư dân Nam Bộ, triết lý nhân sinh của cư dân Nam Bộ truyền thống, biến đổi, những cơ hội và thách thức của cư dân Nam Bộ trên nền tảng triết lý nhân sinh của họ trong giai đoạn hiện nay.
Nằm trong chương trình hội thảo, các đại biểu tham dự còn được tổ chức tham quan các địa điểm VH tiêu biểu ở An Giang như: chợ nổi Long Xuyên, Làng dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ở TP. Châu Đốc và Làng Chăm ở huyện An Phú… để hiểu rõ hơn về triết lý nhân sinh của các tộc người sinh sống tại An Giang.
TS. Aaron Loh (Trường Đại học Assumption, Thái Lan) chia sẻ về vấn đề dân cư tại ĐBSCL
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cho rằng: “Hội thảo đã nâng cao nhận thức, kiến thức VH bản địa, cũng như bản sắc dân tộc đặc trưng của người Nam Bộ, tạo cơ hội để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên trao đổi, giao lưu kiến thức về vùng rất đa dạng tôn giáo, phong tục tập quán, chủng tộc, nơi được xem như tiểu Cộng đồng VH Asean. Đồng thời, là dịp để các nhà khoa học và những người quan tâm khác có thể phân tích những thách thức, cơ hội hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, truyền thống VH, sự giao thoa VH và triết lý nhân sinh của người dân Nam bộ xưa và nay rói riêng, khu vực hạ lưu sông Mekong nói chung. Từ đó, có thể gợi mở thêm những nghiên cứu mới cho các đại biểu tham dự trong những hội thảo chuyên sâu trong thời gian tới”.
Gần 200 đề tài nghiên cứu được tại hội thảo mang những sắc thái riêng biệt và là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, chân thật và đầy tình cảm của các tác giả về vùng đất Nam Bộ phóng khoáng và dạt dào nghĩa tình. Tất cả đều có một điểm chung là làm thế nào để vừa duy trì những giá trị VH truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, vừa là sự đóng góp thiết thực cho các nhà quản lý để xây dựng đời sống kinh tế, VH, xã hội cho người dân ngày càng tốt hơn. Cái tâm tốt đẹp của các nhà nghiên cứu đã được thể hiện đâu đó trong các đề tài: “Người dân Nam Bộ ứng xử với cái mới”, “Thực trạng nghèo ở tỉnh Trà Vinh và những mối liên quan đến phong tục tập quán, lối sống, VH của người dân địa phương”, “Ảnh hưởng của sông nước đối với đời sống cư dân Tây Nam Bộ”, “Những đặc điểm cơ bản và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng đời sống tinh thần tại vùng ĐBSCL”…
Bài, ảnh: NGỌC GIANG