Hạt mã não khắc hình con chim nước có độ dài 1,5cm, cao 0,75cm. Tuy kích thước nhỏ nhưng hình dáng của con vật được thể hiện khá chi tiết. Hiện vật tạo tác hình con chim có mỏ quặp xuống kiểu mỏ bồ nông, ngắn và to, hai mắt lồi, trên đầu là chiếc mào khá lớn, đuôi ngắn, cánh ngắn, thân hình khá mập mạp, có lỗ đeo xuyên dọc từ ức tới đuôi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là loài chim nước, có thể là chim xít - tên khoa học là Porthyrio Linnaeus, chúng có bộ lông sặc sỡ, đầu có mồng đỏ, chân không cao nhưng ngón chân dài, sống phổ biến ở vùng đầm lầy Đông Nam Á.
Hạt mã não khắc hình con hổ dài 1,4cm, cao 1,1cm, dày 0,7cm. Tạo hình hiện vật cũng được thể hiện chi tiết với thân hình hổ khá mập mạp, thoạt nhìn thì tư thế nằm gần giống như một con bò, song phần đầu được tạo dáng của đầu hổ, các chi tiết như hai mắt, sống mũi và mũi, hai tai được chạm khắc tỉ mỉ, sống động.
Hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi là hiện vật gốc, là tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Đây là hiện vật quý hiếm trong văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và các nền văn minh cổ đại trên thế giới nói chung.
Hai hiện vật được làm từ chất liệu đá Carnelian, được xem là một trong những loại đá quý có lịch sử lâu đời, kéo dài hàng nghìn năm.
Viên đá Carnelian xuất hiện lần đầu tại nghĩa trang Varna Chalcolithic ở Bulgaria, tồn tại cách đây khoảng 6500 năm, vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Sau đó, Carnelian đã trở thành một món đồ quý giá thời cổ La Mã và Hy Lạp, rất được ưa chuộng trong thời gian hơn 4000 năm trước.
Ngày nay, sự xuất hiện của đồ trang sức làm từ Carnelian liên tục được các nhà khảo cổ học ghi nhận tại nhiều vùng đất khác nhau như: Balkan, Hy Lạp, Trung Đông và các vùng cổ đại khác trên thế giới.
Kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ của hai hiện vật này cho thấy sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao của nghệ nhân, là sản phẩm tinh thần đặc sắc.
Vì vậy, hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn cho thấy cư dân cổ Sa Huỳnh - những người buôn bán lão luyện, tiêu dùng sành sỏi, giàu có bậc nhất trong mạng lưới trao đổi buôn bán trên biển Đông. Và Lai Nghi là một trong những địa điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh, phân bố ở trung tâm và khu vực trọng yếu, nằm ở vùng cửa sông ven biển, có vị trí thuận lợi cho các hoạt động trao đổi buôn bán giữa Sa Huỳnh với các khu vực khác.