Những "ngôi nhà" bảo vệ môi trường của phụ nữ vùng quê

13/06/2024 - 07:19

 - Những “ngôi nhà xanh” hay “ngôi nhà sinh kế” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thoại Sơn xây dựng để thu gom rác thải nhựa không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, mà còn là hình thức gây quỹ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tự giác thu gom vỏ chai nhựa trên đường hay chủ động phân loại, cất giữ vật thải nhựa trong sinh hoạt đã thành thói quen của hội viên, phụ nữ xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn). Để có được sự thay đổi này, hội viên phụ nữ trong xã hưởng ứng cuộc vận động giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua mô hình “ngôi nhà xanh” nhằm thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt. Mô hình được Hội LHPN xã Vĩnh Phú xây dựng vào tháng 8/2023, không chỉ góp phần làm xanh - sạch - đẹp môi trường, mà còn tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

“Từ thực tế, rác thải trong sinh hoạt hàng ngày của bà con với các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa... sau khi sử dụng thường vứt bừa bãi gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến môi trường. Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “ngôi nhà xanh” để thu gom phế liệu, gây quỹ hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường. Để mô hình phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, hội tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ; hướng dẫn cách phân loại rác thải, vận động chị em thu gom rác thải tái chế đưa về “ngôi nhà xanh”. Qua đó, tiếp tục vận động các hộ gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Theo đó, “ngôi nhà xanh” thành lập ở 6 ấp trên địa bàn xã, mỗi ấp gồm 10 thành viên” - Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân chia sẻ.

“Ngôi nhà xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú

Chai, lon, túi ny-lon, bìa cát-tông, sắt vụn... khi chứa đầy trong “ngôi nhà xanh”, ban chấp hành chi hội và một số hội viên nòng cốt tiến hành phân loại, thu gom và bán để gây quỹ. Với phương châm “việc làm nhỏ, tác động lớn”, mô hình góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hội. Đến nay, đã thu về hơn 12 triệu đồng từ việc bán phế liệu gây quỹ từ “ngôi nhà xanh” để giúp đỡ hội viên, phụ nữ khó khăn. Đặc biệt, hội đã hỗ trợ gần 3 triệu đồng từ nguồn quỹ “ngôi nhà xanh” giúp 2 thai phụ nghèo đi sinh.

Hội LHPN thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) vừa triển khai xây dựng mô hình “ngôi nhà sinh kế”. Bước đầu thực hiện, mô hình góp phần nâng cao ý thức của người dân trong thu gom rác thải nhựa và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thực hiện tiêu chí 3 sạch, phân loại rác. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Núi Sập Hà Kim Thoa cho biết: “Hiện tại, mô hình có 15 hội viên tham gia, các hội viên thực hiện tốt việc phân loại rác tại hộ gia đình, thực hiện khu dân cư sáng, xanh - sạch - đẹp và an toàn, góp phần vào xây dựng đô thị văn minh. Hàng tuần, chị em mang phế liệu của gia đình đến góp vào “ngôi nhà sinh kế”, đặt tại trụ sở UBND thị trấn Núi Sập. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực nên được nhiều hội viên phụ nữ tham gia nhiệt tình”.

Không chỉ gây quỹ cho hoạt động hội, mô hình này còn góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức cho chị em trong thực hiện tiêu chí “3 sạch”, bảo vệ môi trường sống, tạo thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Chị Trần Thị Thanh Xuân (hội viên phụ nữ khóm Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập) bày tỏ: “Sau khi được tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của mô hình, tôi đã tích cực tham gia. Chỉ bằng những việc làm nhỏ hàng ngày, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo nên chị em tham gia rất tích cực. Tôi sẽ tiếp tục vận động các thành viên trong gia đình cùng thực hiện”.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Thoại Sơn Dương Triết Minh, chúng tôi chỉ đạo hội cơ sở tiến hành rà soát tất cả các mô hình trên địa bàn của huyện, tập trung vào những mô hình để thu hút sự tham gia của hội viên phụ nữ trên địa bàn dân cư. Đồng thời, tiến hành thành lập những mô hình, như: Tương trợ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho hội viên phụ nữ; giúp phụ nữ phát triển kinh tế thông qua tổ xoay vòng vốn. Đặc biệt, mô hình “ngôi nhà sinh kế”, “ngôi nhà xanh” là một trong những mô hình giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo nguồn quỹ giúp vốn cho các hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

PHƯƠNG LAN