Bà Tuyết cho biết, mình biết gói bánh từ những ngày còn nhỏ, khi theo mẹ học nghề. Đến bây giờ, bà đã 65 tuổi đời mà vẫn cứ gắn bó với những kỷ niệm xưa, chỉ khác ở chỗ là phục vụ nhu cầu khách hàng. Nghề gói bánh phục vụ nhu cầu theo đơn hàng thì gia đình chỉ mới thực hiện hơn 4 năm nay.
Về chủng loại, gia đình bà gói khá nhiều loại nhân, như: Nhân chuối, nhân ngọt, nhân ngọt mỡ, nhân thịt mỡ, nhân trắng chay, nhân thập cẩm… để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Về kỹ thuật, bà Tuyết thường gói “bịt đầu” để những chiếc bánh trông vuông vứt, đẹp mắt. Riêng nguyên liệu, gia đình chọn loại nếp dẻo, xào sẵn trước khi gói để bánh thơm, kết dính khi cắt ra. Lá gói bánh phải là lá chuối hột để lớp nếp bên ngoài chiếc bánh xanh tự nhiên, trông ngon mắt.
Vì việc gói bánh có khá nhiều công đoạn, nên các thành viên trong gia đình chẳng ai ngơi tay. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (con dâu bà Tuyết) phụ việc buộc dây bánh. Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung, khéo léo nhất định để đòn bánh tét đẹp mắt.
Những ngày cận Tết, gia đình bà Tuyết phải thuê thêm nhân công để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng vọt. Thường khi, gia đình bà nhận gói hơn 2.000 đòn bánh vào những ngày giáp Tết.
Ngoài bánh tét, gia đình còn nhận gói bánh ú để đáp ứng nhu của khách hàng. Vì chất lượng bánh ngon nên đơn hàng có thường xuyên, gia đình làm lai rai trong cả năm, chỉ có Tết mới vào vụ rộ.
Cánh đàn ông trong gia đình cũng không ngơi tay. Họ nhóm bếp lò, nấu sẵn nồi nước to. Vào đợt gói bánh Tết, gia đình phải dùng 2 chiếc lò cỡ lớn và hoạt động liên tục mới kịp có bánh giao cho khách.
Ông Phạm Văn Đực và anh Phạm Thanh Sang mặc định với nhiệm vụ cho bánh vào nồi, canh lửa. Vì đây là việc làm thường xuyên nên họ khá thuần thục, nhanh nhẹn trong từng động tác.
Những chiếc bánh được cho vào nồi và bắt đầu giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” để trở thành lễ vật dâng cúng ông bà.
Khi củi bắt lửa, nồi bánh tét rực hồng trong đêm tối. Hình ảnh này đã rất quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam mỗi lần Tết đến, mang đến không khí ấm cúng giữa tiết trời se lạnh những ngày đầu Chạp.
Sau khoảng 4 giờ sôi sục trong nồi, những chiếc bánh đã chín, được lấy ra chất tạm cho ráo bớt nước. Nếu gói bánh từ chiều, thì phải đến 10 giờ đêm bánh mới ra nồi, nên công việc này cũng khá vất vả.
Sáng sớm, bánh được chất lên sào đón ánh bình minh, kết thúc một quá trình lao động của cả gia đình bà Tuyết. Họ cho biết, công việc này dù vất vả nhưng cải thiện kinh tế gia đình khá tốt, đặc biệt là trong dịp Tết.
Thông thường, gia đình bà Tuyết chỉ gói bánh phục vụ đám tiệc, nên mỗi chiếc bánh là một sự tâm huyết của người gói, sao cho sản phẩm làm ra vừa miệng, vừa ý khách hàng. Năm nay, bà Tuyết vẫn sẽ tiếp tục nhận đơn hàng và sẽ cặm cụi những ngày cuối tháng Chạp để…gói Tết cho những khách hàng thân thiết của mình.
THANH TIẾN