Những người lính giữ rừng

01/06/2018 - 08:22

 - Cách đây 45 năm, ngày 21-5-1973, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm (KL) và ngày này trở thành ngày truyền thống của lực lượng KL Việt Nam. Quá trình xây dựng và phát triển, KL đã trưởng thành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước qua từng thời kỳ; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Kiểm lâm tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra đồi núi

Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 6-7-1976, Ty Lâm nghiệp An Giang được thành lập. Tháng 7-1977, lực lượng KL An Giang được thành lập với tên gọi Hạt KL nhân dân tỉnh An Giang, trực thuộc Cục KL nhân dân thuộc Tổng cục Lâm nghiệp. Đến tháng 11-1979, Chi cục KL nhân dân tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở Hạt KL. Qua nhiều lần sáp nhập, từ tháng 6-2001 đến nay, Chi cục KL trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Trải qua chặng đường 41 năm, KL An Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao qua từng giai đoạn. Năm 1977-1990, rừng và đất rừng tại An Giang gồm diện tích rừng tràm phát triển trên vùng đồng bằng đất chua phèn, kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá - rụng lá hơi ẩm nhiệt đới trên vùng đồi núi (gọi là vùng Bảy Núi); hệ thực vật, động vật rừng quý hiếm tiêu biểu của rừng ẩm nhiệt đới. Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng làm diện tích rừng đồi núi đến cuối năm 1983 còn lại không đáng kể, các loài thú rừng gần như bị cạn kiệt. Ngành lâm nghiệp và KL chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đứng trước thực trạng tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, ngày 30-7-1991, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 226/QĐ-UB-TC về việc thành lập Chi cục KL nhân dân tỉnh An Giang, với chức năng thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và giao thêm cho KL nhiệm vụ trồng rừng để khôi phục lại nguồn tài nguyên đã mất.

Từ đó, lực lượng KL nỗ lực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Thời gian khôi phục lại rừng tuy không dài, nhưng diện tích rừng cơ bản được khôi phục, màu xanh của rừng đã dần trải dài trên các đồi núi, trên các vùng đất hoang hóa, chua phèn, góp phần quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển du lịch và bảo vệ an ninh, quốc phòng biên giới. Công tác thực thi pháp luật lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường, công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản ngày càng chặt chẽ. Giai đoạn 2001 đến nay, Chi cục KL tập trung kiểm tra, kiểm soát lâm sản, thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên, quản lý gây nuôi các loài động vật hoang dã và thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh phối hợp các địa phương có rừng, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục thực hiện hoạt động du lịch sinh thái tại rừng tràm Trà Sư, đưa khu rừng này trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học nổi tiếng của tỉnh.

“Với sự cố gắng của lực lượng KL, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự ủng hộ của Nhân dân, diện tích rừng tập trung 13.615ha được quản lý chặt chẽ; diện tích trồng cây phân tán duy trì hơn 66.000ha, góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với tỷ lệ 22,4%, góp phần quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy du lịch và góp phần bảo vệ biên giới. 41 năm qua, lực lượng KL An Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng ba năm 1997 về thành tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL; Huân chương Lao động hạng ba năm 1998 về thành tích thực hiện chương trình 327 năm 1993-1998; Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, cùng nhiều Bằng khen các cấp, ngành khác. Phát huy những thành tích đạt được, lực lượng KL tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; phối hợp chặt chẽ các đơn vị, lực lượng có liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực thi Luật Lâm nghiệp” - Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh Trần Phú Hòa khẳng định.

Giờ đây, nếu ai có dịp đi trong màu xanh của những cánh rừng trên vùng đồi núi và vùng đồng bằng tại An Giang - trước đó hãy còn là đất trống, đồi núi trọc - chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu, sự tái sinh của rừng. Điều đó không phải tự nhiên có, mà là công sức của toàn xã hội, trong đó lực lượng KL An Giang, những người lính giữ rừng với bước chân không mỏi suốt bao năm qua đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG