Nhà giàn DK1 tận ngàn khơi xa
Nước ngọt chia theo “khẩu phần”
Sau 32 năm kể từ khi xây dựng nhà giàn DK1 đầu tiên (DK1/3) trên bãi cạn Phúc Tần vào tháng 6-1989, mở đường cho việc xây dựng 20 nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam (hiện có 15 nhà giàn đang hoạt động), chuyện nước ngọt quý như máu phải chia mỗi người 5 lít/ngày của các chiến sĩ nhà giàn đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ, 14/15 nhà giàn lúc nào nước ngọt cũng “dồi dào” nhưng không thể thỏa thuê tắm giặt như ở đất liền. Đó là tinh thần tiết kiệm tài nguyên nước đã ngấm vào máu thịt và ý thức của chiến sĩ DK1.
Trung tá Lê Xuân Nam (Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16) chia sẻ: “Nếu trước đây mỗi nhà giàn có chừng 30-40m3 nước dự trữ mùa khô, giờ nhiều gấp 3 lần. Tuy nhiên, bộ đội phải tiết kiệm, phòng khi hạn hán kéo dài. 6 tháng mùa khô là 6 tháng chúng tôi dùng nước theo “kế hoạch”. Tức là nước ngọt được cấp cho từng chiến sĩ theo ngày. Công việc này do trực ban nhà giàn đảm nhiệm phân chia”.
Ngoài nước đem ra từ đất liền, bộ đội phải trông chờ… “nước trời”. Ở giữa đại dương bao la quanh năm nắng nóng “cháy da, cháy thịt”, bộ đội “khát” nước mưa còn hơn “khát” quà đất liền. Mỗi lần có mưa, các chiến sĩ nhanh chóng nối vòi vào đường ống để lấy nước từ sân thượng. Và đó cũng là những lần bộ đội tha hồ tắm rửa, giặt giũ. Bây giờ, mặc dù nước ngọt nhiều hơn, đỡ vất vả hơn nhưng như lời trung tá Lê Xuân Nam, việc tắm giặt vẫn phải rất tiết kiệm.
Trong hệ thống DK1 hiện nay có 15 nhà giàn, trong đó 14 nhà giàn được xây dựng, gia cố đóng theo thế hệ mới (nhà giàn 2 thân). Riêng DK1/10 là nhà giàn “một thân” - nhà giàn thế hệ thứ 2. Đây là nhà giàn ít nước ngọt nhất so với 14 nhà giàn khác. Vì ít nước ngọt, nên việc tắm, giặt hiện nay phải chia theo “khẩu phần”. “Một ngày mỗi người được 5 lít. Cuối tuần (chiều chủ nhật), mỗi người được chia 10 lít cho cả tắm, giặt. Khi sóng yên biển lặng, các chiến sĩ xuống biển tắm, bơi quanh chân đế nhà giàn. Tắm xong, nước ngọt chỉ tráng người sau cùng. Để tiết kiệm, chén đũa, cá tươi được rửa bằng bước biển. Chúng tôi làm cái gầu thả xuống biển kéo nước lên. Nước ngọt chỉ dùng tắm, rửa mặt. Nước thừa tưới rau, lau nhà” - đại úy Nguyễn Văn Thanh (Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10) chia sẻ.
Những giọt nước ngọt hiếm hoi tưới cho những mầm xanh trên sóng biển
Thế hệ lính DK1 vơi nỗi nhớ nhà bằng đàn ghi ta
Sẵn sàng chiến đấu
Sống yêu đời giữa tận cùng cơn khát
Những ngày này đang là đỉnh điểm của nắng và nóng. Mặc cho thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở nơi được ví như “mặt trời rọi lửa”, cán bộ, chiến sĩ trên các “pháo đài” vẫn miệt mài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nêu cao cảnh giác, bám sát mục tiêu lạ; theo dõi và xử lý những con tàu “không mời mà đến”; thực hiện nghiêm các chế độ quy định trong tuần, trong ngày và không quên trồng rau xanh cải thiện và nâng cao chất lượng sống, bữa ăn cho bộ đội. “Bây giờ đang là thời gian tận cùng cơn khát. Nóng, nắng, thiếu rau xanh, nượt ngọt là thường xuyên. Thiếu thốn và khắc nghiệt không bao giờ lung lay được ý chí, nghị lực, tình yêu biển, đảo của chúng tôi. Chỉ có biển cả mới hiểu hết được nỗi nhọc nhằn gian lao của lính DK1” - trung tá Lê Xuân Nam nhấn mạnh.
Trung tá Nam cho biết thêm, mặc dù cách biệt với đất liền và thường xuyên thiếu thốn tình cảm, song không vì thế mà các chiến sĩ “áo vằn cánh sóng” nơi đây sao nhãng chuyện cập nhật thông tin, thời sự thế giới và trong nước. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, canh giữ cột mốc chủ quyền và vùng biển được phân công quản lý, chúng tôi liên tục theo dõi nhịp sống từ đất liền qua ti-vi, báo giấy, báo mạng, qua mạng xã hội Facebook. Dù khó khăn, gian khổ, chúng tôi vẫn duy trì tốt các chế độ quân sự. Đây chính là sự “bắt nhịp” với đất liền” - trung tá Nam nói.
Tôi đã từng ở nhà giàn DK1 tròn 11 năm. Không thể nói hết ra đây những khó khăn trở ngại vào những năm 1995-1999 của thế kỷ trước. Chỉ biết đó là những ngày gian khổ nhất nhưng cũng vinh quang nhất của đời binh nghiệp. 3 lần chứng kiến nhà giàn đổ xuống, 6 đồng đội vĩnh viễn nằm lại biển khơi và cũng nhiều lần tự tay mình đào gốc rau dền tước vỏ nấu canh mùa sóng gió, tôi hiểu ra một điều: ở đâu gian khổ khó khăn, ở đó vinh quang và kiêu hãnh nhất.
Bài, ảnh: MAI THẮNG