Những người mẹ trong khu cách ly

07/10/2021 - 06:23

 - Trong bài viết này, tôi muốn nhắc đến nhiều người mẹ đang hiện diện ở Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Trong số đó, có người vừa mới làm mẹ mấy hôm nay, có người là “mẹ của mẹ”, có người là y, bác sĩ áo blouse trắng “lương y như từ mẫu”…

Chị Phan Thị Kim Hân (sinh năm 1996, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) làm công nhân ở tỉnh Bình Dương 3-4 năm nay. Bụng bầu bước sang tháng thứ 7 bắt đầu nặng nề, thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Kể từ lúc đó, chị rất hoang mang, lo lắng. Một mặt, chị tìm hiểu bệnh viện gần nơi ở để tiện bề xử trí khi sinh nở. Mặt khác, chị nhờ người nhà đăng ký nguyện vọng về quê. Rồi chị thấp thỏm chờ đợi, mỗi ngày trôi qua dài đăng đẵng. Gia đình chị sốt ruột, ghé UBND xã hỏi thăm liên tục. Một ngày giữa tháng 9, chị được xác nhận nằm trong danh sách đón rước về quê. Lúc ấy, chị đã bước sang tuần thứ 35 của thai kỳ.

“Từ lúc biết tin được trở về quê, tôi mừng lắm. Đêm trước khi về, tôi ngủ không được, cầm điện thoại chờ cuộc gọi. Sợ người ta liên hệ không được, bỏ mình lại. Sợ ngủ quên, trễ xe… Thất nghiệp mấy tháng, tiền bạc không còn, bụng mang dạ chửa ở đất khách quê người, được về quê lúc này còn hạnh phúc gì bằng!” - chị Hân vui mừng. Bé Phú Khải chắc cảm nhận được tâm tình của mẹ, nôn nao chào đời sớm mấy tuần so dự sinh. Ngày 26-9, chị Hân được đưa về khu cách ly Trường Quân sự tỉnh (cũ) ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, hôm sau Khải lọt lòng mẹ bình an, nặng 2,6kg.

Đại diện Công an tỉnh trao quà cho chị Hân

Nằm cùng phòng với chị Hân, chị Hồ Thị Cẩm Hường (sinh năm 2002, ngụ huyện Châu Phú) nhẹ nhàng dỗ bé gái Hồ Hoàng Thiên Ngân ngủ. Trục trặc chuyện gia đình, chị một thân một mình làm việc ở tỉnh Bình Dương, tự chăm sóc bản thân và đứa bé trong bụng.

“Trước khi có thông tin đón rước công dân của tỉnh, tôi khổ tâm lắm, vì chỉ có mình ên, đến lúc sinh nở không người nào bên cạnh. Được xét chọn về đợt đầu tiên, tôi tạm yên tâm. Mấy hôm ở khu cách ly tập trung, nhân viên y tế đến khám, thông báo thai 36 tuần ổn định, bình thường. Tối hôm sau, tôi đau bụng, có dấu sinh, được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn” - giữa những lời chia sẻ, giữa lúc dỗ bé Ngân, chị Hường bật khóc, giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Mấy hôm nay, bên cạnh chị Hân, chị Hường, có những bước chân vội vàng của người mẹ mang tên “bà ngoại”. Họ dành cả thanh xuân để nuôi con gái khôn lớn, nhiều đêm "bạc tóc" vì nỗi lo cho con bụng mang dạ chửa xứ người. Giờ, họ tất bật chăm con, chăm cháu mới sinh.

Bà Kiều Thị Cúc (sinh năm 1982, mẹ chị Hường) cứ nghĩ đến đứa con trẻ tuổi, đơn độc ở xa, gần đến ngày sinh mà tiền bạc không có, người thân không ở cạnh. Khi Hường yên ổn trong khu cách ly, ngày 28-9, bà đang làm thì nhận được điện thoại của con “Mẹ ơi, con đau bụng!”. Chiều 29-9, vợ chồng bà lính quýnh đến nơi, nhìn con gái, nhìn cháu ruột mà nước mắt cứ rơi.

“Tưởng tượng con sinh nở ở Bình Dương, cách trở đủ thứ, liệu có bình an như thế? Sau trận này, tôi không dám cho con đi xa nữa. Ở quê, mần nhiêu ăn nhiêu, bình an là được!” - bà Cúc bày tỏ.

Chị Hường chăm sóc em bé mới sinh

Bên này, bà Phạm Thị Nhanh (sinh năm 1978, mẹ chị Hân) tay xách nách mang, lủ khủ nào là mùng mền, nào là bình thủy, móc phơi quần áo… Trước khi con bà trở về, bà cứ mong trời mau sáng, con mau về nhà. Biết con thuận lợi đặt chân về địa phận An Giang, bà cám ơn trời phật, cảm ơn “các anh, các chú ở tỉnh” rất nhiều. Sau mấy lần test, Hân vẫn âm tính, bà càng mừng.

Nụ cười của “bà ngoại” không giấu được sau lớp khẩu trang: “Nghe con sinh xong, tôi quyết định bắt taxi từ quê tới đây, tốn 1,2 triệu đồng. Kệ, tốn bao nhiêu cũng được, miễn tôi được gặp con cháu!”. Rồi bà vẫy tay tạm biệt chúng tôi, mang vác đồ sinh hoạt vào phòng, niềm vui quấn quýt từng bước chân.

Đằng sau những chuyến sinh nở thành công là bàn tay của các “từ mẫu” Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn. BS CKI Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết: “Đợt này, tỉnh tiếp nhận nhiều sản phụ, cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh (cũ). Chúng tôi đã cử người trực hỗ trợ xuyên suốt tại khu cách ly. Đối với Trung tâm Y tế, chúng tôi sắp xếp phòng chuẩn bị sinh, phòng hậu sản riêng biệt cho nhóm đối tượng nguy cơ cao này, đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn của bệnh nhân. Số lượng sản phụ đông như thế ít nhiều gây áp lực về chuyên môn với đơn vị, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị ổn thỏa. Tính đến ngày 30-9, có 3 sản phụ được chuyển vào, tất cả đều ổn định, chưa ghi nhận bất thường. Hai trường hợp đã sinh nở thành công”.

Không chỉ giúp đỡ về mặt chuyên môn, họ còn hỗ trợ sản phụ lúc cần kíp. Sản phụ Trần Thị Nhớ (sinh năm 1982, ngụ huyện Phú Tân) được ưu tiên về quê, trong khi chồng và con trai còn kẹt lại tỉnh Bình Dương. Liên hệ gia đình, họ chưa thể thu xếp đến ngay, trong khi chị đã có dấu hiệu sinh. Một mình trong phòng chờ sinh, chị tủi thân, khóc mãi. Vì vậy, nữ hộ sinh, hộ lý trong Khoa thay nhau mua đồ ăn, thức uống dùm sản phụ, đợi người nhà xuống tới để họ yên tâm hơn. “Với vai trò bác sĩ sản khoa, tôi mong các “bà bầu” an tâm, dưỡng thai, chờ ngày sinh nở. Nếu có khó khăn, bất tiện khi người nhà chưa đến kịp, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ nhu cầu tối thiểu cho sản phụ” - BS Tâm mỉm cười.

Những sản phụ, bà ngoại và y, bác sĩ ấy đều là người mẹ trong thời điểm đặc biệt này. Tuổi tác, hoàn cảnh sống, quê quán khác nhau, điều kết nối lớn nhất giữa họ là những đứa bé bình an chào đời. Bé thiếu vắng hơi ấm của cha, nhưng được bù đắp bằng niềm vui của mẹ, của bà, của tất cả các lực lượng chung tay đón rước công dân xa xứ.

GIA KHÁNH