Mỗi ngày rong ruổi hơn 100km
Tháng 8, cơn mưa rì rào rải hạt lướt qua, rồi đột ngột tạnh, nhường lại ánh nắng ban mai chiếu xuống vùng nông thôn yên bình. Khác với thành thị ồn ào, nhịp sống ở làng quê chậm chạp, cốt cách con người dung dị, ấm áp bởi những việc làm giản đơn nhưng giàu nghĩa tình.
“Uống nước suối không em? Tui không lấy tiền đâu, tất cả đều miễn phí”- ông Huỳnh Duy Khánh (57 tuổi, quê ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) dừng chiếc xe lôi chở thùng nước suối lạnh mời chúng tôi nhiệt tình. Gác chân chống xe dựng lại trước cổng Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc), ông Khánh tiếp tục phát nước suối miễn phí cho bà con mưu sinh đủ thứ nghề trên đường.
Ông Khánh tặng nước suối cho bà con mưu sinh hè phố
Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc xe lôi không chỉ chở nước suối phát miễn phí mà bên dưới ông Khánh gắn hàng chục thỏi nam châm. Ông Khánh giải thích, xe này dùng để hút, rà đinh, ốc vít, vật sắt nhọn trên đường. Ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe lôi máy, ông Khánh tịch tang chạy qua nhiều đoạn đường để rà vật sắt nhọn, đem lại an toàn giao thông cho người dân.
Chiếc xe lôi máy được “độ” lại khá đẹp, với tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Mỗi khi xe chầm chậm lướt trên đường, những vật sắt, thép nhọn có nguy cơ đâm thủng lốp xe đều bám chặt vào những thanh nam châm. Ông Nguyễn Văn Tùng (người dân sống ven Quốc lộ 91) khề khà: “Chiếc xe này hữu hiệu thật, hút tất cả vật sắt nhọn, dọn sạch đinh, ốc vít giúp bà con lưu thông an toàn”.
Tính đến nay, ông Khánh có hơn 7 năm tự nguyện hút đinh trên đường, mỗi ngày chạy hơn 120km, rong ruổi khắp nơi. Cơ duyên thôi thúc ông Khánh làm việc “thiện lành” này cũng khá bất ngờ, từ một lần bắt gặp người dân đang điều khiển xe gắn máy đột ngột bị loạng choạng do cán đinh, suýt té ngã.
Từ đó, ông Khánh bỏ công rà đinh mọi tuyến đường, mong bà con không còn bị tai nạn giao thông. “Một năm, tôi chỉ nghỉ 2 ngày 30 và mùng 1 Tết. Mùng 2 tiếp tục hành trình thiện nguyện để bà con vui xuân an lành” - ông Khánh bày tỏ.
Nhớ lại những năm đầu tình nguyện hút đinh, ông Khánh nói rằng, ngày đó mỗi lần chạy xe từ huyện Châu Thành lên tận TP. Châu đốc, rồi vô núi Sam, chiếc xe lôi hút từ 3-4kg đinh, ốc vít… Nhờ vậy, lượng sắt nhọn giảm dần, bà con tham giao thông an toàn.
“Hồi đó, ngang qua những nơi có vá ép cũng hơi sợ, vì mình làm vậy là “đập” nồi cơm người khác. Tuy nhiên, đoạn đường Quốc lộ 91 (từ huyện Châu Thành đến TP. Châu Đốc) chưa thấy chuyện rải đinh hay quăng vật sắt nhọn ra đường” - ông Khánh tâm sự. Những vật nhọn do ông Khánh rà được chủ yếu là đinh, ốc vít do người dân làm rơi vãi trong quá trình vận chuyển trên đường.
Chiếc xe lôi của ông Khánh ngoài chức năng hút đinh, còn chở nước suối lạnh phục vụ miễn phí cho bà con đi đường giải khát. Chúng tôi quan sát, những người tàn tật ngồi xe lăn khi gặp chiếc xe lôi của ông Khánh đều dừng lại lấy nước uống. Các bác “xe ôm” đứng ven đường trông ngóng khách, tự nhiên lấy chai nước suối dự phòng khi khát.
“Ai khát nước cứ lấy thoải mái, tất cả đều miễn phí. Nhờ thùng nước suối lạnh này, bà con nghèo mưu sinh hè phố đỡ tốn một phần chi phí”- ông Khánh cho hay. Không dừng lại ở đó, ông Khánh còn mua bình xăng mang theo “xơ cua”. Trong lúc lưu thông trên đường, bất chợt có xe gắn máy hết xăng, ông Khách sẵn sàng chia sẻ để họ tiếp tục lưu thông thuận lợi.
Hàng ngày, ông rong ruổi trên mọi nẻo đường, tất cả chi phí đều được gia đình ủng hộ nên ông Khánh mạnh dạn làm từ thiện. Trong hành trình thiện nguyện, ông Khánh chở hơn 240 chai nước suối lạnh phát miễn phí cho bà con. Vào những ngày cao điểm Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, ông Khánh chở nước suối vào núi Sam cấp phát miễn phí cho du khách hành hương.
“Mấy năm nay, con trai lớn làm việc ở TP. Cần Thơ, đứa con gái út làm trong Khu công nghiệp Bình Hòa, mức lương ổn định. Khi hết nước suối, hết xăng chạy xe, các con sẵn sàng hỗ trợ để tôi tiếp tục làm từ thiện. Điều quan trọng bây giờ là mong mạnh khỏe để cống hiến cho xã hội” - ông Khánh bộc bạch.
Làm bằng cái tâm trong sáng
Ngày nào cũng vậy, ông Nguyễn Thanh Sang (58 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chạy chiếc xe rà đinh qua từng tuyến lộ nhựa. Mấy năm nay, ông âm thầm chạy chiếc xe lôi quanh phố hút đinh.
“Lúc trước, thấy bà con chạy xe gắn máy cán đinh, thủng lốp dắt bộ hoài, xót lắm chú em ơi! Từ khi có chiếc xe này, tui bỏ chút thời gian rà tới, rà lui đoạn đường nào bà con hay bị cán đinh để họ yên tâm lưu thông” - ông Sang trần tình. Gia cảnh ông Sang cũng chẳng dư dả, nhưng có cái tâm của người hành thiện. Ngày nào rảnh, ông bỏ công giúp ích cho xã hội.
Một buổi trưa, chúng tôi thấy ông Sang dựng chiếc xe ven đường lọ mọ gỡ từng thanh sắt, đinh, ốc vít dính chặt vào những thỏi nam châm. “Nếu không hút đinh, bà con chạy xe bị thủng bánh hoài, dẫn bộ cực lắm!” - ông Sang tặc lưỡi. Qua trò chuyện, mới biết vợ của ông Sang là bà Phạm Thị Me sống bằng nghề bán chuối chiên, bánh cam tại nhà, 2 đứa con trai làm thợ hồ. Riêng ông Sang làm “thợ ép”, xây gạch, trộn hồ. Dù vậy, mỗi khi nghe người dân phản ánh đâu đó có xe bị cán đinh thì ông Sang bỏ ngang công việc chạy xe đến hút đinh.
“Mình làm bằng cái tâm trong sáng. Nhiều lúc cũng sợ đụng chạm với những người vá xe dữ lắm!” - ông Sang thật tình. Trước đây, nhiều người lưu thông trên tuyến đường Trần Hưng Đạo than thở: “Xe bị cán đinh rất khổ sở. Nhiều khi phải dẫn bộ từ 3-4km mới có chỗ vá…”.
Có xe rà đinh của ông Sang, xe cộ bon bon chạy. Từ khi “ra lò” đến nay, chiếc xe hút đinh của ông Sang đã “thu hoạch” hàng chục ký sắt nhọn. Ông Sang tâm sự: “Chỗ nào có “đinh tặc” là tui phát hiện liền. Bởi lẽ, nếu người ta cố ý rải đinh thì phải cắt các mảnh sắt, rồi rải cách khoảng trên đường. Vá xe cũng là cái nghề chân chính của người nghèo. Mình nói oan thì tội họ lắm!”.
Trưa nắng gắt, ngang qua Quốc lộ 91, chúng tôi gặp ông Sang, ông Khánh nằm ngả lưng bên quán võng huyên thuyên. Nhìn chiếc xe hút đinh, mọi người thán phục việc làm ý nghĩa ấy...
Chở nhựa vá đường
Tan tầm đổ dốc cầu Tôn Đức Thắng, chúng tôi bất ngờ gặp ông Hai Hùng trạc 60 tuổi, hì hục đập lạch cạch từng thỏi nhựa đường vá lại ổ gà. Từ lâu, tại hai bên đầu dốc cầu Tôn Đức Thắng xuất hiện tình trạng khuyết lõm, xe gắn máy lưu thông qua lại rất nguy hiểm. Thế là, ông Hai Hùng mang nhựa, đá đến vá lại bằng phẳng.
Chúng tôi dừng lại chụp ảnh, ông Hai Hùng nói với giọng hiền từ: “Thấy ổ gà tại dốc cầu nguy hiểm quá, tôi đến vá lại. Mình làm bằng cái tâm thiện nguyện. Chuyện vá đường là việc làm bình thường thôi!”. Mấy năm nay, Hai Hùng rong ruổi khắp nơi, từ nông thôn đến phố thị, mỗi khi thấy đoạn đường nào có ổ gà, ổ voi thì ông mang bao nhựa, đá tới vá ngay.
Nguồn nhựa, đá, ông Hai Hùng xin lại từ những công trình sửa chữa đường. Sau đó, mang về bỏ công đập bung ra từng mảnh vụn, rồi dùng lửa đốt lên cho nhựa chảy ra. Nhiều khi, hết nguồn nhựa đường, ông Hai Hùng phải bỏ tiền túi mua đá mi, nhựa vá đường. Mùa này nắng mưa bất chợt, muốn vá đường hiệu quả phải đợi trời nắng gắt thì nhựa đường mới bám. Công việc vá đường cũng lắm gian truân. “Có những tuyến đường vừa vá xong gặp mưa trôi hết nhựa, phải vá đi vá lại nhiều lần để bà con an tâm lưu thông, không bị dằn xốc hoặc sụp ổ gà nguy hiểm. Ngày nào còn sức khỏe thì còn vá đường” - Hai Hùng chậm rãi nói.
|
HOÀNG MỸ