Phải chạy thận theo lịch 3 lần/tuần khiến những bệnh nhân nhà ở xa quyết định chọn hành lang BV là “nhà” trong suốt thời gian dài. Ăn thì xin cơm từ thiện và trải 1 chiếc chiếu nhỏ để ngã lưng hàng đêm. Nhưng giấc ngủ có bao giờ trọn vẹn khi tiếng bước chân cấp cứu, siêu âm, xét nghiệm trong BV cứ thi nhau ập đến. Chưa kể, có người bị bệnh “hành”, cả đêm ngồi ôm chiếc thùng giấy thở nặng nhọc. Gần 2 tháng nay, được Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên hỗ trợ chỗ ở, BV lo chi phí điện, nước, những phận đời ấy đã thoát được cảnh xem BV là nhà.
“Tôi chạy thận đã 2 năm. Năm đầu, lịch chạy thận ít nên tôi sắp xếp về nhà để chăm sóc con nhỏ. Đến năm thứ 2, tôi phải chạy thận 3 lần/tuần, nhà ở xa nên đành dọn ít vật dụng vào “nương náu” hành lang BV, đợi đến cas mình chạy thận. Suốt 1 năm ròng, tôi ở hẳn trong BV đợi được chạy thận, nhớ nhà, nhớ chồng con da diết nhưng biết làm sao” - chị Trần Thị Thúy Oanh (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Chợ Mới, Chợ Mới) tâm sự.
Những phận đời lay lất với căn bệnh thận mãn tính
Trước đây, chồng chị Oanh đi bán vé số hàng ngày để lo chi phí cho vợ chạy thận. Nhưng không may, anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, dù giữ được mạng sống nhưng không còn minh mẫn, sức khỏe yếu hẳn. Mọi chi phí chạy thận của chị Oanh trông chờ vào tình thương của anh em, bà con và sự thương tình của các nhà hảo tâm. Nhớ con gái, mỗi tuần, chị Oanh về quê gặp và chơi với con vài giờ ngắn ngủi rồi lại vào BV. “Xa con chính là nỗi đau lớn nhất của tôi, còn hơn cả căn bệnh hiểm nghèo đang hành hạ” - chị Oanh thổn thức.
Một thời gian dài, hành lang BV là nhà của gần chục bệnh nhân chạy thận. Mỗi người 1 hoàn cảnh cùng nhau “nương náu” ở đây, mọi người xem nhau như người thân trong gia đình. Hễ người này cần giúp đỡ thì người kế bên dù khổ mấy cũng không nỡ bỏ. Mỗi tuần, mỗi người phải tốn khoảng 400.000 đồng chạy thận, hoàn cảnh ai cũng khó nên có người phải bỏ lịch, không chạy thận, đợi có tiền người nhà gửi hay nhà hảo tâm cho thì chạy lại. Mỗi lần bỏ cử, người bệnh đau đớn đến mức chỉ muốn chết.
“Hơn 1 năm chạy thận, khi không tiền tôi đành ngưng lại. Cơ thể gần như mất hết sức lực, hơi thở yếu ớt, cơn tức ngực, đau nhức kéo đến, đau lắm! Chạy thận chỉ là để duy trì sự sống, được ngày nào hay ngày đó” - bà Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1961, ngụ xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới) bộc bạch.
Suốt 5 năm ròng “đóng đô” ở BV, những đồng bạc tích góp cuối cùng của gia đình em Thái Thuận Minh (sinh năm 1994, xã Núi Voi, Tịnh Biên) cạn dần. Chăm sóc cho Minh là người cha nhân hậu, dù miệng lúc nào cũng cười nhưng lòng thì đang xát muối.
“Lúc trước, con tôi là sinh viên như ai. Nhập học chưa hết năm nhất ở Trường Đại học An Giang, thằng bé trở bệnh, phải ngừng việc học. Vợ tôi thì bỏ đi từ lúc hay tin con mình phát bệnh nặng. Bệnh nó đã chuyển qua giai đoạn cuối, để con vui được ngày nào là hạnh phúc với tôi ngày đó” - ông Phạm Văn Ai (cha em Minh) buồn bã nói.
Hoàn cảnh như vậy, nhưng ông Ai sẵn sàng giúp các bệnh nhân chung căn bệnh như con trai mình. Từ ngày chuyển ra Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên, thấy mọi người đi chạy thận bất tiện, ông Ai tự nguyện đưa, rước mọi người miễn phí (mỗi ngày khoảng 5 lượt), chỉ nhận đủ tiền xăng 100.000 đồng/tuần do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (BTNTT-TMC-BNN) TP. Long Xuyên hỗ trợ.
“Để hỗ trợ chi phí cho các bệnh nhân chạy thận mãn tính, chúng tôi đang kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. Hội thường xuyên hỗ trợ thức ăn (tự nấu) mang vào để mọi người no lòng. Chúng tôi hy vọng nhận được sự đóng góp của nhiều người để những mảnh đời bất hạnh này níu kéo sự sống” - Chủ tịch Hội BTNTT-TMC-BNN TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Châu bày tỏ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN