Những “U.80” đi tìm đồng đội

11/10/2022 - 07:04

 - Ngày mưa tháng 10, có 2 người lính già đến thăm Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). Hành trang họ mang đến là ký ức chồng chất của những năm tháng bơm rơi đạn nổ, là nỗi nhớ thương đồng đội đã hy sinh – mãi đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Ông Nguyễn Văn Diễn (đeo mắt kính) cùng ông Trí cung cấp thông tin cho Đội K93

Ngày mưa tháng 10, có 2 người lính già đến thăm Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Hành trang họ mang đến là ký ức chồng chất của những năm tháng bơm rơi đạn nổ, là nỗi nhớ thương đồng đội đã hy sinh - mãi đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Đại tá Huỳnh Trí (sinh năm 1949, ngụ huyện Châu Thành) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được biết đến với thương hiệu “Ông Hai Trí đi tìm đồng đội”. Ở tuổi “U.80”, ông vẫn tiếp tục cung cấp thông tin về từng trận đánh, đơn vị hy sinh tại chiến trường cũ, để cán bộ, chiến sĩ Đội K93 thêm chút manh mối, chuẩn bị cho đợt làm nhiệm vụ sắp tới (tháng 11/2022).

Lần đến thăm này nối dài hành trình gần 25 năm ông sát cánh cùng Đội K93, tham gia vào công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường trong nước và Campuchia. Hàng ngàn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy, từ manh mối ban đầu do ông cung cấp. Gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh xa gần, cứ tìm đến liên tục. Chiếc điện thoại cũ mèm của ông rỉ rả kết nối người sống với nhau, để cùng tìm kiếm người đã hy sinh.

Gần đây, ông hay bệnh. Đôi tai bị điếc (do di chứng chiến tranh) khiến ông đôi lúc rơi vào khoảng không thinh lặng của chính mình. Nhưng điều đó không ngăn cản bước chân chậm rãi của ông đến với đồng đội, đưa họ về quê. Ông hay bắt đầu câu nói bằng cụm từ “Như vậy là…”, ẩn chứa nhiều cảm xúc. Tiếc nuối có, buồn thương có, băn khoăn có, mừng rỡ có.

Chỉ vào bản đồ, ông chậm rãi nhớ lại: “Như vậy là khu vực huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia) có mấy điểm cần tập trung, trong đó có Ô Tà Quanh. Tôi từng gặp 4 cái mộ liệt sĩ ở khu vực này, khả năng là lực lượng địa phương, tỉnh. Sau này quay lại, không tìm thấy các mộ này nữa… Ở gần núi Som, một phụ nữ lớn tuổi cho biết, cách nhà bà khoảng 300m có 5 ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam, nhưng tôi và mọi người đào hoài, đào tới lui không thấy. Theo tôi, không có chuyện người dân “bịa ra”, mà do rừng núi thay đổi, chúng ta đào chưa đúng hướng”.

Nhỏ hơn ông Hai Trí 2 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đông Xuyên (TP. Long Xuyên) Nguyễn Văn Diễn xem như bạn cùng thời. Ông vào Nam ra Bắc, chiến đấu nhiều tháng trời ở Campuchia, cơ thể in hằn dấu ấn chiến tranh. Mấy mươi năm, ông gắn bó với An Giang, thân thuộc mảnh đất này, cũng bởi vì nghĩa cử đi tìm đồng đội.

“Trời cho tôi khả năng đọc bản đồ, cộng với trí nhớ rất tốt và sức khỏe dẻo dai. Người thân liệt sĩ thường liên lạc, nhờ tôi hỗ trợ tìm mộ. Thế là tôi quẳng hết công việc, đi với họ hoặc đi với các đội chuyên trách của Quân khu 9” - ông Diễn bày tỏ.

Ông nhớ hoài chuyện tìm mộ liệt sĩ Đặng Văn Quế (tỉnh Thái Nguyên). Gia đình liệt sĩ vào thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) ròng rã 7 ngày, tìm mãi vẫn không biết nơi nào vừa có cột điện ở ngã ba, lại gần UBND xã. Có người nhắc “hỏi ông Diễn xem sao”. Thế là họ quày quả trở xuống TP. Long Xuyên, cậy nhờ ông giúp. Ông ngẫm nghĩ rồi bảo: “Địa hình này giống ở xã Ô Lâm thì phải”. Đến giờ cơm trưa, họ nóng ruột không ăn nổi, muốn đi ngay. Đào ngay vị trí được chỉ, họ tìm được hài cốt. Giám định ADN khẳng định: Đúng là liệt sĩ Quế!

Điều khiến ông trăn trở nhất là thời gian càng qua lâu, cảnh vật càng thay đổi nhiều, dấu tích mộ chí liệt sĩ bị xóa nhòa. Từ bên cánh rừng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), ông tận mắt chứng kiến 7-8 đồng đội được chôn cùng một chỗ. Vậy mà, ngoảnh đi ngoảnh lại, cuộc sống thay đổi, con người cải tạo thiên nhiên. Dòng suối năm xưa giờ được tách ra thêm mấy dòng nữa. Ông đứng ngẩn ngơ, chẳng biết chỉ tay về hướng nào!

Cũng như ông Hai Trí, giữa những kỷ niệm của tháng ngày hòa bình, đôi lúc ông Diễn bị hình ảnh xót xa của quá khứ bao phủ. Rất nhiều chiến sĩ cùng chiến đấu với ông, mới phút giây trước còn trò chuyện kề vai, chớp mắt đã âm dương cách biệt. Người còn sống chôn người đã khuất bằng lớp đất vội, bằng tiếng khóc uất nghẹn trong lòng. Họ chia lìa nhau bằng lời hẹn “gặp lại”. Vậy mà, gần 50 năm, lời hẹn ấy chưa thể thực hiện xong…

“Đi tìm hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng đó là trách nhiệm của người đang sống. Chúng tôi luôn tâm niệm, mình còn khỏe mạnh đến giờ, là nhờ sự che chở, hy sinh của đồng đội đã mất. Bằng mọi giá, chúng tôi phải tìm cách đưa các anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ hoặc trao tận tay người thân cho trọn tình, trọn nghĩa. Mong các anh sống khôn thác thiêng, phù hộ đồng đội sớm tìm thấy hài cốt”- ông Diễn chùn giọng.

“Năm 2022, chúng tôi tìm được 41 bộ hài cốt, từ thông tin của các chú cựu chiến binh và hồ sơ lưu trữ tại đơn vị. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ giai đoạn mới, chúng tôi rất mong các chú tiếp tục theo dõi, cung cấp thông tin. Nếu được, mong các chú đi cùng để tiện khảo sát thực tế, xác định cụ thể vị trí, để quá trình tìm kiếm hài cốt được nhanh chóng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515 quốc gia” - đại tá Nguyễn Quốc Thông (Đội trưởng Đội K93) chia sẻ.

Nếu có thông tin gì về nơi chôn cất liệt sĩ trước đây, xin cung cấp cho Ban Chỉ huy Đội K93 theo số điện thoại 0296.3876.120; đại tá Nguyễn Quốc Thông 0918.370.835 (Đội trưởng); thượng tá Lê Đắc Thoa (Chính trị viên) 0918.584.015.

GIA KHÁNH