Nikki Haley - ứng viên sáng giá trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử
11/12/2023 - 19:38
Với thần tượng là "bà đầm thép" Margaret Thatcher, nữ cựu đại sứ tại Liên hợp quốc Nikki Harley đang theo đuổi mục tiêu trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
AA
Vào tháng 4/2021, Nikki Haley tuyên bố rằng bà sẽ không tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024 nếu ông Donald Trump tham gia cuộc đua. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng trước khi cuộc đua sơ bộ bắt đầu, nữ cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và cựu thống đốc bang Nam Carolina đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký cho đề cử của Đảng Cộng hòa.
Sinh ra ở Mỹ với cha mẹ là người Ấn Độ, Haley là chính trị gia lấy cảm hứng từ “bà đầm thép” Anh Margaret Thatcher và sở hữu nhiều kinh nghiệm quốc tế cũng như kỹ năng quản lý đặc biệt. Giờ đây, bà đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm với cựu Tổng thống Trump mà không hề có bất kỳ lùm xùm hay thù hận nào. Bà Haley cũng đã thu hút được sự ủng hộ của các nhà tài trợ có ảnh hưởng, những người coi bà là ứng cử viên Đảng Cộng hòa có cơ hội tốt nhất để đánh bại đối thủ Dân chủ Joe Biden.
Nimrata Nikki Randhawa sinh năm 1972 tại Bamberg, Nam Carolina. Bà lấy họ của chồng khi kết hôn với ông Michael Haley vào năm 1996. Hai người có hai con đã trưởng thành. Cha mẹ của Nikki Haley là những người nhập cư theo đạo Sikh quê gốc ở Amritsar, bang Punjab của Ấn Độ. Họ là gia đình Ấn Độ duy nhất ở một thị trấn nhỏ phía Nam của bang, chỉ với 2.500 cư dân và hai cột đèn giao thông. Lớn lên ở Bamberg, Haley từng chia sẻ bà thường cảm thấy mình là “cô gái da nâu trong thế giới ‘đen và trắng’”. Ngay cả một sai sót nhỏ nhất của cô gái Haley cũng sẽ bị mách lại với gia đình.
Haley học kế toán tại Đại học Clemson nhưng nhanh chóng dành sự quan tâm đến các vấn đề công cộng. Bà được bầu vào cơ quan lập pháp tiểu bang năm 2004, tái đắc cử mà không có đối thủ vào năm 2006, và lại giành chiến thắng với 83% phiếu bầu vào năm 2008. Hai năm sau, bà trở thành thống đốc trẻ nhất nước Mỹ khi mới 38 tuổi. Haley là nữ thống đốc đầu tiên của Nam Carolina và là người không phải da trắng thứ ba được bầu làm thống đốc một bang miền Nam. Bà giành được nhiệm kỳ thống đốc thứ hai bốn năm sau đó.
Với tư cách là thống đốc, bà đã hành động quyết liệt để dỡ bỏ lá cờ chiến đấu của Liên minh miền Nam (trong cuộc Nội chiến Mỹ) khỏi Tòa nhà Nghị viện bang sau khi một kẻ phân biệt chủng tộc da trắng giết chết 9 người da đen tại Nhà thờ Giám lý Châu Phi Emanuel ở thành phố Charleston. Từ những trải nghiệm thời thơ ấu của cá nhân mình, Haley đã tích cực đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và thúc đẩy sự hòa nhập. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2016, bà ủng hộ ứng viên Marco Rubio và công khai chỉ trích ông Trump. Haley đã làm hòa với Donald Trump sau khi ông thắng cử, nhưng giờ thì bà đã trở thành một đối thủ đáng gờm.
Khi ông Trump đề nghị Haley làm đại sứ cho ông tại Liên hợp quốc, bà đã nêu ra những điều kiện của mình. Bà nhất quyết muốn trở thành thành viên nội các để được tiếp cận trực tiếp với tổng thống, đồng thời cũng muốn có một vị trí trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Khi Nhà Trắng cho rằng bà cảm thấy bối rối sau khi công bố các lệnh trừng phạt chống lại Nga, Haley đáp lại thẳng thắn: “Với tất cả sự tôn trọng, tôi không cảm thấy bối rối”.
Cuốn sách của Haley về những người phụ nữ mà bà ngưỡng mộ đã nêu bật tính cách đó trong chương dành tặng Jean Kirkpatrick, nữ đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Liên hợp quốc. Người phụ nữ mà Haley ngưỡng mộ nhất là Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh, đại diện đảng Bảo thủ từ năm 1979 đến 1990. Tiêu đề của cuốn sách “If You Want Something Done” (Nếu bạn muốn hoàn thành việc gì), được mượn từ câu nói nổi tiếng của Thatcher: “Nếu bạn muốn nói điều gì đó, hãy hỏi một người đàn ông; nếu bạn muốn việc gì đó được thực hiện, hãy hỏi một người phụ nữ”. Haley đã sử dụng cụm từ này để tạo hiệu quả tốt trong cuộc tranh luận đầu tiên của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee vào ngày 23/8 vừa qua.
Việc Nikki Haley hiện được coi là một người theo chủ nghĩa trung dung ôn hòa là bằng chứng cho sự thay đổi ở phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa. Diễn ngôn hợp lý và kiềm chế của bà hoàn toàn trái ngược với những đối thủ đang kịch liệt bác bỏ thực tế về biến đổi khí hậu, ủng hộ các thuyết âm mưu và thường đưa ra những lời lẽ cay nghiệt kỳ thị người đồng tính.
Bà Haley tỏa sáng nhất trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, nơi bà kiên quyết bảo vệ các quan điểm cứng rắn, nhận thức rất cao vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, khi chiếm vị trí trung tâm trong cuộc tranh luận gần đây nhất, Haley cũng phải đối mặt với cáo buộc gây ảnh hưởng và lợi dụng kinh nghiệm trong chính phủ của mình để thu lợi cá nhân. Trong thời gian giữ chức thống đốc, bà đã đưa ra những ưu đãi hào phóng cho tập đoàn Boeing để đầu tư vào Nam Carolina, rồi bà lại tham gia hội đồng quản trị của công ty này sau khi rời nhiệm sở. Ngoài ra, bà đã tận dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là đại sứ Liên hợp quốc để đảm bảo được những hợp đồng diễn thuyết giá trị cao.
Là một chính trị gia bảo thủ và một cựu kế toán, Haley ủng hộ kỷ luật tài chính và cải cách cũng như cắt giảm ngân sách cho an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Mặc dù phản đối việc phá thai nhưng và không ủng hộ việc hình sự hóa hành động phá thai. Haley cũng chỉ trích một số phe phái của chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến vì thái độ thù địch công khai của họ đối với nam giới.
Là một người phụ nữ tiên phong, Haley đã phá bỏ nhiều rào cản. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng bà sẽ dễ dàng đánh bại ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng trước hết bà sẽ phải vượt qua khoảng cách lớn với ông Donald Trump để giành được đề cử của đảng Cộng hòa.
Con đường sẽ không hề dễ dàng nhưng Harley quyết tâm đi theo bước chân của Margaret Thatcher. Nếu đắc cử, Nikki Haley sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ và nhậm chức vào ngày 20/1/2025 – đúng sinh nhật lần thứ 52 của bà.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức /El Pais)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: