Nỗ lực dạy nghề cho lao động thất nghiệp

25/12/2018 - 06:54

 - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã thực hiện trong thời gian qua nhằm giúp lao động có thêm cơ hội mới để có được nghề nghiệp ổn định.

Cơ hội mới

Nhớ lại những ngày tháng thất nghiệp của mình trong năm 2016, chị Trần Thị Vẹn (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) rơi nước mắt. Chị Vẹn kể, năm 2016, sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, mọi công nhân đều trở lại công ty làm việc bình thường, còn chị phải vất vả chạy tìm việc khắp nơi. Công ty của chị qua nhiều năm làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn, không có tiền trả lương cho công nhân, tạm thời phải ngưng hoạt động. Nguyên nhân do năm 2016, giá cá tra xuất khẩu ra thị trường thế giới ở mức thấp và trung bình, nhiều công ty chế biến cá tra xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL thua lỗ. “May mắn là trong quá trình làm việc, công ty có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, vì vậy, sau khi ngưng việc ở công ty cũ, em được lãnh trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng 2,3 triệu đồng và được hỗ trợ học nghề để tìm việc làm tốt hơn”- chị Vẹn thông tin.

Để có việc làm ổn định, công nhân phải chuyên cần và có tay nghề cao mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất

3 tháng thất nghiệp cũng là thời gian chị Vẹn cố gắng học thêm nghề mới để tìm việc làm tốt hơn. Chị Vẹn đã chọn nghề kế toán doanh nghiệp. “Trước đây, em làm công nhân tạo hình trong nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh. Công việc vất vả, phải chịu lạnh suốt ca làm 8 giờ đồng hồ. Thu nhập của công nhân tạo hình trong những năm ngành thủy sản gặp khó khăn không cao, vì vậy, cuộc sống rất khó khăn, chật vật. Nay, em học nghề kế toán, môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, không phải làm ca đêm, cuộc sống có phần thoải mái hơn trước…” - chị Vẹn phân tích.

Thực tế

Dạy nghề cho lao động thất nghiệp để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, cùng với cả nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang đã đẩy mạnh thực hiện công tác này. Cụ thể,  trung tâm đã tích cực mở nhiều lớp dạy nghề cho người bị thất nghiệp, từ đó đã có nhiều người hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới, cuộc sống ổn định hơn. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, đơn vị đã thường xuyên mở các lớp dạy nghề khi số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký gần đủ với số lượng lớp học là trung tâm chuẩn bị công tác mở lớp. “Có đến 17 ngành, nghề được trung tâm dạy cho người lao động thất nghiệp như: sửa chữa điện thoại di động, lái xe, cắt tóc nam, kỹ thuật trang điểm, kế toán doanh nghiệp, mộc dân dụng và kỹ thuật nấu ăn. Ai thích nghề nào thì đăng ký học nghề đó, số lượng đủ mở lớp là chúng tôi tiến hành mở ngay để dạy nghề cho người lao động thất nghiệp…” - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang Võ Quang Tân thông tin.

Nhờ được dạy nghề, nhiều lao động thất nghiệp đã có việc làm ổn định

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, năm 2018, số người được hỗ trợ học nghề là 431 người, tăng 26% so cùng kỳ năm 2017. Đây là con số còn khá khiêm tốn, phản ánh tình trạng học nghề của lao động thất nghiệp hiện nay. Nhiều lao động thất nghiệp “thờ ơ” với việc học nghề, vì họ cho rằng, nếu xin được việc làm mới thì nơi thu tuyển phải đào tạo lại, vì vậy, họ không cần phải học; trong khi đây là cơ hội rất tốt tạo điều kiện cho người lao động trang bị nghề, có công việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn.

“Việc dạy nghề cho lao động thất nghiệp gặp không ít khó khăn, số lượng lao động đăng ký học một nghề không nhiều, không tập trung nên rất khó trong việc tổ chức lớp. Có một số nghề học phí cao hơn mức quy định nên người lao động không đủ điều kiện bù chênh lệch như: nghề lái xe, uốn tóc nữ. Đa số người lao động nhận tiền trợ cấp thất nghiệp khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng, số tiền này tạm đủ chi phí sinh hoạt để tìm việc làm mới…”- Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang Võ Quang Tân phân tích.

Bài, ảnh: MINH HIỂN