Nỗ lực phục hồi ngành thủy sản

18/11/2021 - 06:34

 - Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tiềm năng, giá trị sản xuất của ngành thủy sản vẫn rất lớn. Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19, ngành thủy sản nỗ lực phục hồi từ 70-100% hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại những vùng kiểm soát tốt dịch bệnh; sản xuất đảm bảo an toàn tại những vùng khác nhằm tạo đà tăng trưởng cho năm 2022.

Nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát)

Cố gắng trong khó khăn

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, 9 tháng của năm 2021, tổng diện tích thu hoạch cá nuôi khoảng 1.268ha, tăng 14ha so cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng khoảng 368.500 tấn, tăng 1.463 tấn. Trong đó, cá tra thương phẩm thu hoạch 919ha (bằng 97,97% cùng kỳ), tổng sản lượng thu hoạch 310.000 tấn (giảm 3.800 tấn). Đối với tôm càng xanh, thu hoạch 23ha (tăng 9,5ha), sản lượng khoảng 17,7 tấn (tăng 7 tấn). Các loại cá khác (cá lóc, nàng hai, chạch lấu…) có tổng diện tích thu hoạch 293ha (tăng 16ha), sản lượng gần 32.700 tấn (tăng 5.200 tấn). Đối với thủy sản khác, tổng diện tích thu hoạch 15,3ha (tăng 0,85%), sản lượng gần 1.400 tấn (tăng 15,5 tấn). Riêng cá nuôi bè, sản lượng thu hoạch khoảng 24.300 tấn (bằng 116% cùng kỳ năm 2020).

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khó khăn nên giá bán cá tra thương phẩm thường dưới mức giá thành. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng phục hồi lớn, nhu cầu con giống ở ĐBSCL tăng cao nên số lượng con giống cá tra sản xuất trong 9 tháng ước tính gần 1,33 tỷ con, bằng 112% so cùng kỳ (tăng 144 triệu con).

Với những cố gắng từ đầu năm đến nay, ước tổng sản lượng thủy sản cả năm 2021 có thể đạt 514.000 tấn (tăng 2.700 tấn so năm 2020), gồm: sản lượng khai thác đạt 14.800 tấn (giảm 322 tấn); sản lượng nuôi trồng 499.000 tấn (tăng 3.000 tấn), trong đó cá tra gần 409.000 tấn (giảm 5.000 tấn). Tổng lượng giống thủy sản sản xuất cả năm 2021 khoảng 3,14 tỷ con, trong đó giống cá tra khoảng 1,62 tỷ con, các loại giống thủy sản khác (cá lóc, lươn, tôm càng xanh) khoảng 1,52 tỷ con (do nhu cầu tăng mạnh).

Phục hồi 100% từ năm 2022

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, dù có nhiều cố gắng nhưng ngành thủy sản vẫn gặp không ít khó khăn. Dịch COVID-19 hiện còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất tại các vùng có dịch cấp độ 3, 4 bị hạn chế, người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư, tái sản xuất. Bên cạnh đó, do thiếu hụt nguyên liệu thức ăn, thiếu vốn đầu tư nên người nuôi giảm thả giống.

Đối với ngành hàng cá tra tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá thức ăn tăng thì giá bán cá tra nguyên liệu thấp, người nuôi kéo dài thời gian chờ giá lên càng khiến cho hệ số FCR tăng, giá thành sản xuất đang cao hơn giá bán khiến người nuôi lỗ nặng. Các doanh nghiệp thủy sản hiện đã khởi động lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, công suất chưa phục hồi lại như trước dịch. Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục tăng, khiến cho giá vận chuyển và các chi phí khác cũng tăng theo, người nuôi và doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí để phòng, chống dịch.

Đối với ngành hàng cá khác, do hoạt động chợ truyền thống, chợ đầu mối không ổn định, kiểm soát chặt nên hoạt động buôn bán chậm lại, sức mua thấp. Nhiều mặt hàng thủy sản đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn tồn đọng, chưa tiêu thụ được. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng cao, giá vận chuyển tăng, chi phí phòng dịch tăng, việc vận chuyển, phân phối lẻ cũng gặp khó khăn.

Theo ông Dũng, để đảm bảo phục hồi sản xuất các tháng cuối năm 2021, ngành thủy sản phối hợp cùng các địa phương đang nỗ lực phục hồi 70-100% hoạt động sản xuất tại các vùng bình thường mới (vùng xanh, vàng). Đối với vùng cam, đỏ (cấp độ dịch 3, 4), khuyến khích người dân sản xuất theo điều kiện thực tế tại địa phương, kiểm soát hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Sở Y tế và địa phương. Đồng thời, tận dụng lợi thế để phát triển nghề sản xuất giống, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, như: cá tra công nghệ cao, tôm càng xanh toàn đực, lươn, cá lóc, chạch lấu, ếch…

Chi cục Thủy sản An Giang khuyến khích người dân tiếp tục thả giống để đảm bảo cung cấp đủ giống cho hoạt động phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp quản lý sản xuất, kiểm soát tốt môi trường, phòng dịch bệnh cho thủy sản để giảm giá thành sản xuất; tăng cường thực hiện các hoạt động liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, gắn kết với doanh nghiệp, thương lái để đảm bảo sản xuất theo kế hoạch, thị trường. Đồng thời, tích cực hoạt động quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thủy sản cần bán trên các sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán, siêu thị, chợ đầu mối.

Ông Dũng cho biết, sang năm 2022, ngành thủy sản cố gắng khôi phục các hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển về trạng thái bình thường; duy trì, phục hồi từng bước đạt 100% năng lực sản xuất, tuân thủ thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch. Việc tổ chức sản xuất phải dựa trên năng lực thực tế tại trại nuôi, hoạt động sản xuất phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Ước năm 2022, sản lượng thủy sản khoảng 537.000 tấn (chủ yếu là nuôi trồng với 522.500 tấn). Trong đó, cá tra 440.000 tấn; cá rô phi, điêu hồng 26.800 tấn; cá lóc 26.500 tấn; cá khác 25.000 tấn; thủy sản khác 2.400 tấn... Ước kế hoạch sản xuất giống gần 3,64 tỷ con (cá tra gần 1,96 tỷ con; giống thủy sản khác 1,68 tỷ con).

NGÔ CHUẨN