Tổng thống Argentina Javier Milei ký Hiệp ước xã hội. (Ảnh Buenos Aires Herald)
Dự luật Cơ sở đã được Thượng viện và Hạ viện Argentina thông qua, đánh dấu thắng lợi đầu tiên tại cơ quan lập pháp của Tổng thống Milei kể từ khi nhậm chức tháng 12/2023. Gồm hàng trăm điều khoản và một gói tài chính đi kèm, dự luật cho phép chính phủ thúc đẩy tư nhân hóa một số tập đoàn và công ty thuộc sở hữu nhà nước, tiến hành cải cách luật lao động và chế độ hưu trí, cũng như đưa ra ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Dự luật cũng “bật đèn xanh” để Tổng thống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế trong một năm và giải tán các cơ quan liên bang.
Sau nhiều tháng kiên trì theo đuổi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ Argentina thu được những kết quả tích cực, song cũng phải đánh đổi không ít.
|
Ngay sau khi dự luật được quốc hội thông qua, Tổng thống Milei tuyên bố đây là bước ngoặt đối với quốc gia Nam Mỹ giúp ổn định nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo nền tảng pháp lý để chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách, bao gồm cả cải cách triệt để chính sách tiền tệ.
Tổng thống Milei và thống đốc 18 tỉnh ở nước này ký một thỏa thuận với tên gọi Hiệp ước xã hội với nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu bảo đảm ngân sách cân bằng, cắt giảm mạnh chi tiêu công, cải cách thuế và lao động. Giới quan sát nhận định, thỏa thuận này sẽ giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua ở Argentina.
Sau nhiều tháng kiên trì theo đuổi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ Argentina thu được những kết quả tích cực, song cũng phải đánh đổi không ít. Dù Chính phủ Argentina phần nào kiềm chế được tình trạng tăng giá, giảm thâm hụt ngân sách và hướng tới đạt thặng dư, song nền kinh tế và người dân lại phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Các biện pháp bị cho là “gây sốc”, khiến tỷ lệ nghèo đói gia tăng và nền kinh tế trì trệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP năm 2024 của Argentina sẽ giảm 3,5%.
Luật Cơ sở được coi là “chìa khóa” cho kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Tổng thống Milei. Song, Chính phủ Argentina thực tế đã nhượng bộ khi phải bỏ hoặc điều chỉnh nhiều điều khoản trong dự luật ban đầu. Trong thời gian các cơ quan lập pháp nghiên cứu và tiến hành bỏ phiếu, các đảng đối lập và một số tổ chức xã hội ở Argentina phản đối việc thông qua dự luật và tiến hành biểu tình.
Một số ý kiến cho rằng, dự luật đi ngược lợi ích của người lao động và người dân nghèo, chỉ phục vụ các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội ngày một nghiêm trọng.
Các biện pháp cải cách nhận được sự tán thành từ chính quyền nhiều địa phương, song Tổng thống Milei cũng phải mất nhiều tháng mới thuyết phục được phần lớn các thống đốc ký Hiệp ước xã hội. Trong khi đó, một số thống đốc và các tổ chức xã hội, công đoàn ở Argentina đã từ chối tham gia thỏa thuận này.
Có thể thấy, tìm kiếm thêm sự ủng hộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng với Tổng thống Milei trong thời gian tới. Cũng bởi chỉ giữ thế thiểu số tại Quốc hội lưỡng viện, đảng Tự do tiến lên (LLA) của ông Milei đã gặp không ít trở ngại trong việc kêu gọi các chính đảng khác ủng hộ những chương trình nghị sự mà LLA theo đuổi.
Argentina đang trong thời điểm bước ngoặt và người dân trông chờ sự thay đổi. Do đó, chính quyền Tổng thống Milei vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đạt những mục tiêu cải cách đầy tham vọng, nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay, đương đầu thách thức phía trước ■
Theo VI AN (Báo Nhân Dân)