Nobel Hóa học 2018 thuộc về Mỹ và Anh với nghiên cứu enzyme, kháng thể

03/10/2018 - 20:20

Hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Anh đã cùng đoạt giải Nobel Hóa học 2018 với các công trình nghiên cứu về tiến hóa enzyme và kháng thể.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 3-10 đã công bố người đoạt giải Nobel Hóa học 2018.

Chân dung 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2018. Ảnh: NobelPrize.

Cụ thể, giải thưởng này đã thuộc về 3 nhà khoa học là Frances H. Arnold (người Mỹ), George P. Smith (người Mỹ) và Gregory P. Winter (người Anh).

Arnold được hưởng một nửa số tiền thưởng còn Smith và Winter chia nhau nửa số tiền thưởng còn lại.

Nhà khoa học nữ Arnold đến từ Viện Công nghệ California (Mỹ) nghiên cứu về “sự tiến hóa trực tiếp của các enzyme”. Các enzyme được tạo ra thông qua tiến hóa trực tiếp này được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học tới dược phẩm.

Slide giải thích về công trình nghiên cứu hóa học của nhà khoa học Smith. Ảnh: NobelPrize.

Trong khi đó, các nhà hóa học Smith (Đại học Missouri, Columbia, Mỹ) và Winter (Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge, Anh) hợp tác nghiên cứu về “hiển thị thể thực khuẩn đối với các peptide và kháng thể”. Các kháng thể tiến hóa từ phương pháp này có thể dùng để chống lại các bệnh tự miễn nhiễm và trong một số trường hợp có thể trị được ung thư di căn.

Trước đó, giải Nobel 2018 và Nobel 2018 đã lần lượt được trao tại Thụy Điển vào các ngày 1-10 và 2-10.

109 giải Nobel Hóa học đã được trao từ năm 1901 đến năm 2017.

Có 63 giải Nobel Hóa học đã được trao cho duy nhất một người.

Đến nay, 5 phụ nữ đã được nhận giải Nobel Hóa học.

Một cá nhân, tên là Frederick Sanger, được nhận giải Nobel Hóa học tới 2 lần, vào năm 1958 và năm 1980.

Người trẻ nhất được trao giải thưởng này là Frédéric Joliot khi nhận giải vào năm 1935. Lúc đó Joliot 35 tuổi.

Người cao tuổi nhất đoạt giải Nobel Hóa học là John B. Fenn. Khi ông được trao giải này vào năm 2002, ông đã 85 tuổi.

Theo VOV