Nơi học sinh được... “tiếp sức”

15/11/2018 - 05:28

 - Nhà ăn tình thương xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) ra đời như một địa chỉ quen thuộc nhằm hỗ trợ, tiếp sức các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên con đường chinh phục tri thức.

Nhiều người đã quá quen thuộc với nhà ăn tình thương này, nơi đùm bọc hàng ngàn học sinh trong suốt 8 năm qua. Do yêu cầu của việc học tập, ngoài giờ học chính khóa nhà trường còn tổ chức phụ đạo thêm 1 buổi cho các xem. Vì vậy, nhiều em do nhà xa nên phải ở lại trường, ăn tạm đĩa cơm dĩa hoặc ổ bánh mì.

Với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đôi lúc phải nhịn đói cho qua bữa. Xuất phát từ tình thương dành cho những em học sinh nghèo khó, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch đã bắt đầu công việc nấu cơm hàng ngày để các em có điểm ăn cơm miễn phí, vệ sinh và có chỗ nghỉ ngơi, giúp các em lấy lại sức tiếp tục lĩnh hội con chữ vào đầu giờ chiều.

Nhà ăn tình thương là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm động lực cho học sinh khó khăn

Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch Võ Văn Tuần chia sẻ: “Nhà ăn tình thương được thành lập năm 2010 với 20 thành viên. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng sự góp sức của nhiều nhà hảo tâm đã tích cực hỗ trợ kinh phí, đóng góp vật chất, như: gạo, gia vị, rau quả các loại để duy trì nhà ăn đến ngày hôm nay. Mỗi ngày, chúng tôi phục vụ cơm trưa cho hơn 300 em học sinh từ cấp I đến cấp II, III của xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Khánh và một số xã giáp ranh thuộc huyện Châu Thành”.

Quá trình hoạt động, người dân và phụ huynh học sinh rất đồng tình ủng hộ nên tự nguyện bỏ công sức cùng ban điều hành nhà ăn chăm lo bữa ăn của học sinh ngày một chu đáo hơn. Việc hỗ trợ học sinh ăn trưa từ thiện phần nào đã tác động trực tiếp đến kết quả học tập của các em.

“Nhà em ở xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành) đi, về gần 11km. Từ những ngày đầu học lớp 10 ở Trường THPT Vĩnh Trạch, em đã ghé nhà ăn tình thương dùng bữa trưa. Thức ăn ở đây rất ngon, món nào cũng vừa miệng. Các cô, chú còn thường xuyên thay đổi món ăn để chúng em không bị ngán. Ai ăn không no có thể dùng thêm. Lần nào ăn trưa xong, em cũng tự mang dụng cụ đi rửa nhưng các cô, chú không cho, bảo tụi em nên nghỉ ngơi để lấy sức học tiếp buổi chiều. Em rất thương và biết ơn họ” - em Nguyễn Minh Hiếu (học sinh lớp 11, Trường THPT Vĩnh Trạch) bộc bạch.

Là người gắn bó với nhà ăn nghĩa tình này từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Mai Xuân (sinh năm 1978, ngụ xã Vĩnh Trạch) thổ lộ: “Tôi tham gia tổ nấu ăn. Công việc này tuy có cực nhưng mỗi khi nhìn thấy các cháu ăn cơm vui vẻ, tấm tắc khen là chúng tôi vui khôn tả. Lâu ngày thành quen, giờ chúng tôi xem các cháu ăn trưa ở đây như con cháu của mình nên lúc nào cũng tự nhủ phải nấu ăn thật ngon để các cháu lấy lại sức và tinh thần tiếp tục học tập. Chúng tôi không cần các cháu phụ giúp, chỉ mong đứa nào cũng biết nghe lời, chăm ngoan, học tập thật tốt để thành người có ích cho mai sau”.

Có mặt trùng hợp với giờ học sinh tan trường nên nhà ăn tình thương nhộn nhịp hẳn lên. Dẫu rất đông học sinh nhưng các em khá trật tự, biết cuối đầu chào những người đã vất vả, hy sinh việc gia đình để mình có bữa cơm ngon. Ở một mái hiên bên ngoài nhà ăn, chúng tôi thấy có rất nhiều em nằm nghỉ lưng, trò chuyện, thảo luận bài học.

Theo ông Võ Văn Tuần, nơi đó chỉ mới được xây dựng sau này, từ khi cầu Ba Bần bị sập, Ban Trị sự đã vận động kinh phí cất thêm nơi nghỉ ngơi cho học sinh. Ở đó được bố trí khoảng 50 chiếc võng, nếu không nghỉ trưa, các em có thể ôn bài cho tiết học tiếp theo.

“Nhà em ở xã Vĩnh Chánh (Thoại Sơn) đi, về hơn 10km. Sau khi ở đây dùng cơm, em dành 30 phút để ôn bài, rồi nghỉ lưng. Nhờ vậy mà em thấy tinh thần rất sảng khoái khi bước vào học buổi chiều”- em Lê Thị Kiều Oanh (học sinh lớp 11, Trường THPT Vĩnh Trạch) bày tỏ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích