Hỗ trợ học bổng, học phẩm cho học sinh năm học mới
Vợ chồng đều làm công nhân, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, song chia nhỏ cho các khoản chi tiêu, đặc biệt là tiền học của 2 đứa con đang ở cấp THCS, với anh Nguyễn Văn Phúc (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) là một trăn trở. Gia đình dự tính tìm thêm mặt hàng mua bán nhỏ vào cuối ngày hoặc bán hàng online để trang trải thêm một phần chi phí.
“Đồng phục, sách giáo khoa, tiền học, quỹ lớp, quỹ nhà trường… đầu năm nào cũng khiến tôi lo đủ bề. Năm ngoái, đứa lớn học giỏi được nhận thưởng thì đỡ phần nào, tôi động viên đứa nhỏ phấn đấu noi gương cho bằng anh. Dù than thở vậy, nhưng cỡ nào chúng tôi cũng phải lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn để có tương lai tốt hơn” - anh Phúc tâm sự.
Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo đó, điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Tức là, học phí năm học 2023 - 2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022 - 2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Như vậy, từ năm học 2024 - 2025, học phí ở các trường đại học sẽ tăng khá cao theo lộ trình về mức thu học phí quy định tại Nghị định 81. Điều này đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng.
Năm nay, con trai của chị Ngọc Giang (huyện Phú Tân) vào lớp 11 nhưng chị đã “mất ăn, mất ngủ”, vì việc định hướng chọn nghề đã cân nhắc từ năm nay, mà những ngành học yêu thích đều ở nhóm học phí cao, khả năng gia đình không kham nổi.
“Bắt con thay đổi nguyện vọng là chuyện rất buồn, nhưng chúng tôi động viên cháu lựa chọn ngành nghề vừa sức, phù hợp điều kiện hoặc học nghề rồi sau này học tiếp lên đại học. Tôi và chồng đều sống bằng nghề làm thuê, đắp đổi qua ngày nuôi được 2 con học đến THPT đã rất mừng. Các ngành nghề mới bây giờ của bọn trẻ quan tâm thì chúng tôi không biết, nhưng nếu tính đến học phí thì gia đình khuyên cháu suy nghĩ lại. Học đại học xa nhà, ngoài học phí còn có rất nhiều nỗi lo khác…” - người mẹ trẻ xúc động bỏ lửng lời trải lòng.
Qua các đợt tư vấn tuyển sinh, đưa học sinh đến tận các trường đại học để “mục sở thị”, các trường THPT nói chung đều quan tâm đến việc chọn ngành học, học phí, triển vọng nghề nghiệp theo xu thế thị trường hiện nay…
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên Nguyễn Hạ Hưng Sơn, xét về thực lực học sinh hiện nay khá đồng đều, không thua kém các em ở thành thị. Với những em cuối cấp, hầu hết tự ý thức nghiên cứu về nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường rất tốt. Trở ngại duy nhất là một số ngành học triển vọng nhưng có học phí khá cao.
Đại diện một số trường đại học đã thông tin, dự kiến sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng ở năm học tới, nhưng không quá cao nhằm tạo điều kiện cho người học. Nhiều phụ huynh có con em ở vùng nông thôn cho rằng, cần tiếp tục có chính sách để các trường đại học điều chỉnh học phí phù hợp, không quá áp lực cho người học theo đuổi các ngành ước mơ.
Bên cạnh học phí, mức đóng bảo hiểm đầu năm học mới cũng được liệt kê trong số nỗi lo chung của nhiều người. Cô Kim Loan (giáo viên tiểu học ở TX. Tân Châu) cho biết, trước đó, người dân bày tỏ lo lắng khi lương cơ bản tăng và mức đóng bảo hiểm tăng theo. Giáo viên cũng băn khoăn, lo ngại thu bảo hiểm đầu năm học sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn truyền thông chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới 2024 - 2025. Về quyền lợi, mức đóng, phương thức tham gia BHYT, học sinh, sinh viên tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có). Phụ huynh, học sinh, sinh viên có thể linh động lựa chọn đóng BHYT theo 4 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng một lần” - cô Loan thông tin.
Đầu tháng 8, rất nhiều tổ chức, hội, đoàn thể đã khởi động công tác vận động, trao quà hỗ trợ năm học mới giúp học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. Trong đó, hình thức tiếp sức chủ yếu là tặng xe đạp, học phẩm, học bổng, đồng phục, BHYT… Sự chung tay của cộng đồng khẳng định mối quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp trồng người với thế hệ tương lai của đất nước.
Để Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục đạt kết quả và lan tỏa ý nghĩa, các địa phương, ban, ngành tích cực tuyên truyền và mong muốn nhận được sự đồng hành của những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức để không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu điều kiện đến trường.
Ngày 18/7, HĐND tỉnh An Giang khóa X, Kỳ họp thứ 20 đã thông qua Nghị quyết 10/2024/NQ-HĐND về quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu học phí năm học mới 2024 - 2025 của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập giữ ổn định bằng mức thu học phí của năm học 2023 - 2024. |
MỸ HẠNH