Nỗi lo sạt lở mùa mưa

23/05/2025 - 05:20

 - Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 639m, ảnh hưởng 20 căn nhà. Ước thiệt hại về đất hơn 1,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân các vụ sạt lở do nước lũ dâng cao tạo dòng chảy xiết, gây xói lở 2 bên bờ và đáy sông, kênh, rạch. Mặt khác, do nền đất yếu, mái bờ sông, kênh dốc đứng, các phương tiện thủy qua lại tạo sóng mạnh... làm tăng nguy cơ sạt lở.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chợ Mới Nguyễn Thị Thúy Hậu cho biết, toàn huyện có 150 đoạn sạt lở, dài 6.893m, chưa được gia cố, với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 18/5, tại ấp Long Quới 2, xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) xảy ra sạt lở đất bờ sông ảnh hưởng 10 căn nhà. Đoạn sạt lở ở khu vực bờ rạch ông Chưởng, trên Tỉnh lộ 946, thuộc xã Long Điền B, cách cầu Trà Thôn khoảng 100m về phía hạ nguồn (hướng về TP. Long Xuyên). Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, xâm thực khoảng 3m, đoạn có nguy cơ ảnh hưởng dài khoảng 200m và làm 10 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng (phần nhà sau bị rơi xuống sông), ước tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, rất may không gây thiệt hại về người.

Hiện trạng khu vực xảy ra sạt lở nhà, đất

Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở, huyện Chợ Mới đã huy động lực lượng khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ di dời tài sản; làm rào chắn, hỗ trợ người dân 2 triệu đồng/hộ; người dân rất đồng thuận di dời khỏi nơi sạt lở nguy hiểm.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết: "Nguyên nhân ban đầu xác định, do ảnh hưởng dòng chảy, đoạn sông này có nhiều khúc cua cong gắt, lại thường xuyên chịu tác động của các loại ghe, tàu công suất lớn qua lại lưu thông nhiều. Đoạn này đã từng xảy ra sạt lở 30m vào cuối tháng 5/2023, chưa được đưa vào cảnh báo sạt lở của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Tuy nhiên, UBND huyện Chợ Mới đã cập nhật đưa vào danh mục theo dõi sạt lở và dự trù kinh phí khắc phục"...

Rạch ông Chưởng nối sông Tiền và sông Hậu, dài 23km, chảy qua địa bàn huyện Chợ Mới. Đây cũng là nhánh sông thường xuyên xảy ra sạt lở. Thời điểm xảy ra sạt lở diễn ra rất nhanh, cả dãy nhà 10 căn đổ ụp sàn phía sau xuống sông, người dân tháo chạy ra đường. Chưa hết bàng hoàng, bà Lê Thị Lệ (48 tuổi) chia sẻ: “Lúc nhà sụp, chồng và 2 con đi làm, chỉ có tôi ở nhà và con trai 12 tuổi đang ngủ. Thấy nhà sụp xuống, tôi vừa kéo con dậy, vừa la làng chạy ra khỏi nhà. Giờ nhớ lại cảnh tượng đó còn hãi hùng”. Ông Nguyễn Văn Chữ nói thêm: “Tôi sống ở đây gần 40 năm, vừa sửa lại nhà hơn 300 triệu đồng, trên đất xây tường, làm sàn cây 11m ra mé sông. Ông bà ở đây cũng hơn 80 năm, lần đầu tiên mới thấy cảnh sạt lở như vậy, nguyên sàn nhà đổ ụp xuống sông trong tích tắc”...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khảo sát khu vực sạt lở Long Điền

Bà Lệ cho biết: "Trước đó mấy ngày, đã có hiện tượng nứt vách tường, nứt nền nhà răng rắc sáng đêm. Nghi ngờ, gia đình dọn đồ ra nhà trước, nên không thiệt hại nhiều tài sản. Không ruộng đất, nhà làm thuê, vay tiền sửa nhà gần 100 triệu đồng, nợ trả chưa hết thì nay nhà bị sụp, không ở được. Gia đình tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ cấp nhà che mưa nắng". Ông Nguyễn Ngọc Hiệp (sinh năm 1963) cũng chia sẻ: “Có nhà bị sạt lở khổ lắm, chỉ lấy được mấy bộ đồ, món đồ phía sau còn nguyên không dám vô lấy. Chúng tôi mong có nơi tái định cư để được sống an toàn”...

Khảo sát thực tế tại đoạn sạt lở ấp Long Quới 2, xã Long Điền B, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức đánh giá tình hình sạt lở nghiêm trọng. Qua đó, yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường khảo sát và đánh giá lại thực tế để có giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở trước mắt và lâu dài, nhất là vào mùa mưa lũ tới, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân; khảo sát lưu lượng phương tiện đường thủy và đường bộ, điều tiết trọng tải của phương tiện phù hợp khi qua đoạn sạt lở này. Đồng thời, đánh giá lại dòng chảy và cắm biển báo nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, chính quyền địa phương khẩn trương chăm lo công tác an sinh cho hộ dân bị ảnh hưởng và nhanh chóng phối hợp xem xét hỗ trợ các hộ dân tái định cư...

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất bờ sông, kênh rạch và sạt lở đất, đá trên các đồi núi, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã yêu cầu tăng cường theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền địa phương và người dân. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống. Rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá núi và các khu vực cảnh báo sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm để chủ động di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm...

HẠNH CHÂU