Nơi người dân nghèo gửi gắm niềm tin

10/01/2018 - 08:29

 - Những năm qua, Trạm quân dân y kết hợp xã Vĩnh Xương (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Sông Tiền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh) luôn là nơi dân nghèo khu vực biên giới gửi trọn niềm tin. Đây là địa chỉ để họ tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tiên tiến, đáp ứng công tác bảo vệ; chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh ban đầu cũng như các tình huống khẩn cấp.

Trạm quân dân y kết hợp Vĩnh Xương được đưa vào sử dụng năm 2011. Đến nay, trạm đã trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc và điều trị bệnh cho 11.920 người dân (trong đó có 4.230 người dân Campuchia).

Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh phần đông đến từ các xã Vĩnh Xương, Phú Lộc, Vĩnh Hòa, Tân Thạnh (TX. Tân Châu), xã Phú Hữu (An Phú), xã Thường Phước (Hồng Ngự, Đồng Tháp) và người dân xã Kaomsomno (huyện Lek Đek, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia).

Trạm còn phối hợp với ngành y tế địa phương diệt lăng quăng, tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống dịch tay - chân - miệng cho gần 1.200 hộ gia đình.

Tại địa bàn đóng quân, trạm thường xuyên tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng “Ấp văn hóa sức khỏe”; thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS; dân số - kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống suy dinh dưỡng.

Chương trình đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc củng cố tuyến y tế cơ sở và tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dân sự.

Cán bộ Trạm khám bệnh cho người nghèo khu vực biên giới

Cán bộ Trạm khám bệnh cho người nghèo khu vực biên giới

Dù là ngày nghỉ, nhưng có rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Bất kỳ tình huống đột xuất, khẩn cấp nào xảy ra trong thời gian qua đều có lực lượng quân y tham gia với tinh thần khẩn trương, chủ động, có mặt sớm nhất để cứu chữa cho người bệnh.

Công tác tại trạm được 1 năm, Đại úy Lại Thế Dũng đã có biết bao kỷ niệm. Anh Dũng nhớ lại, có lần 2 mẹ con chị Sà Rưm (người Campuchia) sang trạm chữa bệnh. Cả 2 mẹ con đều sốt rất cao, anh phải túc trực cả đêm truyền nước, nấu cháo cho bệnh nhân.

Đến sáng, họ hạ sốt, nhưng... không có tiền thanh toán. Anh vẫn giữ họ lại điều trị đến khỏi hẳn, rồi cho tiền về nhà. Cảm kích trước tấm lòng “từ mẫu”, cứ có dịp là chị lại gói bánh tét sang tặng các anh.

Đại úy Lại Thế Dũng tâm sự: “Mỗi lần thấy bệnh nhân khỏi bệnh, hết đau đớn là trong lòng tôi lại thấy nhẹ nhõm, quên hết mệt mỏi”. Anh luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Ông Lê Phước Út (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương) bị bệnh đau lưng mãn tính, chữa nhiều nơi không khỏi. Khi đến trạm, ông được thăm khám, kết hợp chữa bằng xoa bóp bấm huyệt và thuốc nam, không tốn kém mà điều trị dứt điểm.

Ông Út mừng lắm: “Hết bệnh đau lưng mãn tính, tôi như được tái sinh. Người dân quanh đây từ người già tới trẻ nhỏ, hễ có bệnh là tìm đến trạm, vì cán bộ quân y có tay nghề cao, luôn tận tụy với người dân”.

Để cảm tạ tấm lòng của các anh, ông Út tự nguyện ngày nào cũng vào trạm tưới cây, quét dọn, giúp nấu cơm… để cán bộ quân y có thời gian khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thượng tá Bùi Văn Trùng, Chủ nhiệm Hậu cần cho biết: “Những hoạt động cụ thể của cán bộ quân y tại các Trạm quân dân y kết hợp đã tạo nên sự gắn bó với người dân. Với phương châm: quân y ở đâu cũng phải tham gia chăm sóc sức khỏe Nhân dân và ngược lại, khi quân đội có yêu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội thì lực lượng dân y sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất và nhân lực tại các trạm quân dân y trên địa bàn biên giới tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Điều mong muốn của đơn vị là phòng khám có thể tăng số lượng giường bệnh và tăng trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh ban đầu, phù hợp với điều kiện kinh tế và công việc làm ăn của bà con. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quân y BĐBP tỉnh phải không ngừng nâng cao năng lực khám, chữa bệnh mới có thể phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân”.

Bài, ảnh: K.H - CHIẾN KHU