Nối tiếp những việc thiện ở “xứ đạo”

09/06/2023 - 06:37

 - Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều mô hình, hoạt động từ thiện tương trợ trong tỉnh nói chung và ở xứ đạo Phú Tân (tỉnh An Giang) nói riêng đã hình thành với lời cam kết: “Chúng tôi chia sẻ với bà con khó khăn đến khi nào hết dịch thì ngưng”. Thế nhưng đến nay, nhiều hoạt động vẫn còn duy trì dù dịch bệnh lùi xa, nhường lại cho nhịp sống thường nhật. Hoạt động của Tổ cung cấp rau củ từ thiện ở xã Phú Lâm (huyện Phú Tân) là một điển hình.

Rau củ tập kết tại nhà chị An được phân loại đóng gói để gửi cho người nghèo

Quán chay mở bán mỗi sáng để góp quỹ cho tổ duy trì hoạt động

Hơn 2 năm nay, nhà chị Lâm Thị Kim An trên tuyến đường lộ sau thuộc Tổ 1, ấp Phú Hòa A, trở thành điểm hoạt động của tổ rau củ từ thiện. Chị An cũng là người khởi xướng công việc này khi đứng ra vận động các nguồn hỗ trợ rau củ của tiểu thương chợ Tân Phú và chợ Tân Châu.

Năm 2021, để chia sẻ với các hộ nghèo, cận nghèo và những hộ đang cách ly, chị An và 2 người thân xin rau củ trong chợ đem về phân phát trong xã, xa hơn là gửi xe chuyển đi TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Ngoài rau cải, thời điểm lúc bấy giờ, người dân rất cần các loại thảo dược để xông hơi, trong đó có 2 nguyên liệu chính là sả và gừng, nhóm của chị An cũng tìm kiếm tích cực, thu nhận và phân phát miễn phí nhiều nơi.

Chị An cho biết, bà con trồng rau ở đây có gì thì cho, mỗi ngày, tổ từ thiện nhận từ 700kg đến 1 tấn rồi đem phân phát cho những người đang gặp khó khăn. Tiểu thương thấy vậy liền góp thêm rau củ hàng ngày. Ai cũng nói ưa thích việc này vì ý nghĩa và đem lại niềm vui, nên hết dịch bệnh nhưng họ vẫn gửi đều đều.

Tổ cung cấp rau, củ từ thiện duy trì hoạt động đến nay, khác ở chỗ nguồn nông sản tiếp nhận không phải vất vả gửi đi xa, len lỏi tìm từng nhà dân như trước, tổ chủ yếu hỗ trợ các bếp ăn từ thiện tại chùa và các bệnh viện.

Nhà của chị An bây giờ là quán bán điểm tâm chay, là một phần trong hoạt động của tổ. Số tiền thu được đều đưa vào nguồn quỹ, sử dụng các việc từ thiện, không một ai bỏ túi riêng.

Tiếng lành vang xa, tổ của chị An được các nhà hảo tâm, người dân có tấm lòng từ thiện trong và ngoài địa phương nhiệt tình ủng hộ. Người góp công, người góp của, số lượng tham gia ngày càng nhiều, nhất là những ngày cao điểm thu hoạch nông sản của nông dân gửi cho, như: Củ cải trắng, cải bẹ, đu đủ… Số lượng rau cải lên đến hàng tấn, không thể phân phát hết trong ngày, các bà, các chị liền trổ tài đem muối hoặc làm dưa chua.

Lúc này, hàng xóm lại hội tụ đông đảo, chia việc cùng làm rất nhiệt tình, có hôm đến 30 người. Ngoài góp công, có hôm bà con ở đây còn dùng tiền túi góp phần hỗ trợ cho chủ vườn khi gặp phải lúc “trúng mùa, rớt giá” không bán được rau cải cho thương lái.

Thời gian qua, nguồn thu nhập từ quán chay chủ yếu chi phục vụ cho việc vận chuyển rau cải và hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn gặp ốm đau đột xuất cần tiền điều trị bệnh.

Nhờ vậy, tuy quán nằm trên đường tuyến lộ sau, dân cư thưa thớt nhưng mỗi sáng rất đắt khách, hơn 8 giờ sáng là bán hết các suất ăn. Khách hàng dù là người ăn chay hay ăn mặn, từ khi biết việc thiện của tổ đều ghé ủng hộ.

Cô Đinh Thị Phí (ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa) đến phụ ở quán cho hay, hơn 2 năm nay cô rất thích tham gia công việc này. Vui nhất là những buổi mọi người xắn tay cùng nhau chế biến số rau củ còn dư để bảo quản lâu hơn. Củ cải trắng chế biến thành xá bấu, cải tùa xại và dưa leo đem muối chua, đu đủ làm mắm chay…

Mỗi buổi chiều, chị An điều động người trong tổ đến chợ Tân Châu chở rau củ về tập kết. Một nhóm tại nhà chị khẩn trương sắp xếp rau theo từng loại và chuyển đến nhiều nơi: Bếp ăn miễn phí An Hòa tự (thị trấn Phú Mỹ), bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, TX. Tân Châu, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh)…

Nhà ở bên kia sông thuộc tỉnh Đồng Tháp, ông Phan Văn Tấn không ngại qua góp việc với tổ từ thiện. Ông Tấn phụ trách nhổ rau và chuyển đến các hộ khó khăn ở gần, kế đến là các chùa, rồi vào tận các vùng sâu để cho.

"Tùy theo khả năng, người dân góp sức để giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi bỏ công vận chuyển, các cô ở tại chỗ tuyển lựa, lặt sạch. Rau củ miễn phí nhưng quan trọng ở cách cho, các cô phân loại sơ chế kỹ, nên người nhận được vui, chúng tôi cũng thấy việc làm của mình có ý nghĩa” - ông Tấn chia sẻ.

Mỗi cô, chú đều nhiệt tình, xông xáo, giỏi làm và khéo tay hơn là chia sẻ bằng lời nói, cho chúng tôi một cảm nhận về sự chân chất, bình dị của người dân ở vùng quê.

Trong xã Phú Lâm còn có nhóm phụ nữ tự nguyện trồng hoa thiên lý bán lấy tiền hỗ trợ cho hoạt động của xe chuyển bệnh trong xã. Đàn ông khỏe mạnh thì góp sức vào việc cất nhà, làm đường, xây dựng cầu nông thôn…

Hoạt động của tổ cung cấp rau củ từ thiện nhà chị An được người dân trong và ngoài xã ủng hộ và đồng hành, góp phần nối tiếp những chuyện “người tốt, việc tốt” ở xã nông thôn mới, lan tỏa tinh thần “cho đi không cần nhận lại”.

MỸ HẠNH