Nông nghiệp An Giang đón đầu cơ hội mới

13/02/2018 - 01:58

 - Đó là cơ hội phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), tái cơ cấu nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, nhu cầu lớn về NN sạch, NN hữu cơ của thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh. Để nắm bắt cơ hội bứt phá, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào NN đủ mạnh, rõ ràng, minh bạch.

Dấu ấn của Nghị quyết 09

Từ chủ trương khuyến khích đầu tư NNƯDCNC của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của huyện Tri Tôn, bà Lê Thị Mộng Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát, đã đến ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn) đầu tư trang trại chuối rộng 400ha cặp kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5 trước đây). Nỗ lực của doanh nghiệp (DN) được bù đáp khi với 130ha giai đoạn I, năng suất ổn định (khoảng 30 tấn/ha), doanh thu gấp đôi chi phí đầu tư. Bà Tuyền cho biết, các đợt thu hoạch sau, lợi nhuận còn cao hơn bởi chi phí đầu tư giảm lại. Đó là cơ sở để DN tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô theo dự án được duyệt.

Tại vùng Cù lao Giêng (Chợ Mới), Công ty TNHH M-Fruits (Hàn Quốc) đang thực hiện liên kết tiêu thụ gần 2 tấn xoài/tháng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất sang Hàn Quốc. Công ty xúc tiến để nâng sản lượng tiêu thụ lên 40-60 tấn/năm. Nhiều DN khác cũng đang quan tâm tìm hiểu để kết nối tiêu thụ xoài vùng Cù lao Giêng, xuất sang Nhật, Úc… Việc liên kết tiêu thụ xoài thúc đẩy nông dân 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân đẩy mạnh thực hành sản xuất tốt, nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tại huyện Tri Tôn, Công ty Cổ phần (CP) Việt Thắng quyết tâm trở thành nơi cung ứng heo giống chất lượng cao (CLC) cho ĐBSCL khi đầu tư trang trại 12,6ha ở xã Lương An Trà, tiến hành nhập heo giống đầu dòng để tạo ra khoảng 39.000 con giống/năm, đồng thời mở rộng đầu tư trang trại 20ha ở khu vực Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Trong khi đó, Công ty TNHH DV TM XNK Hoàng Vĩnh Gia liên kết Công ty Cổ phần CP (Thái Lan) thả nuôi 3 trại heo thịt công nghệ cao (6.000 con/trại). Còn tại khu sản xuất cá tra giống xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), được sự chấp thuận của Tổng cục Thủy sản và sự ủng hộ của Sở NN và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, Công ty CP Việt Úc đã đầu tư khu nghiên cứu 10ha để chọn lọc cá tra bố mẹ, tham gia vào đề án giống cá tra 3 cấp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu là 8 nhóm sản phẩm được khuyến khích xây dựng vùng sản xuất NNƯDCNC. Việc triển khai được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012 của Tỉnh ủy, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2163/QĐ-UBND, ngày 29-11-2012 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch phát triển NNƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. “Qua 5 năm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa, gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo, bò), thủy sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống), dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh), rau an toàn... đã dần được xác lập. Sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Lâm đánh giá.

Nâng cao giá trị

Những năm qua, đóng góp của NNƯDCNC không ngừng tăng lên, chiếm đến 66% tổng giá trị tăng thêm (VA) của ngành NN. Tại nhiều địa phương đã xác lập được các vùng sản xuất lúa CLC theo mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL), giúp nâng cao giá trị hạt lúa, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ hơn 3 triệu đồng/ha. Sản xuất theo CĐL liên kết với các DN tiêu biểu như: Vinacam, Lộc Trời, Trịnh Văn Phú, Tấn Vương, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Công ty Lương thực Miền Bắc… tăng dần qua các năm.

Bên cạnh tập trung phát triển giống cá tra CLC, giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel, Trung tâm Giống thủy sản An Giang còn ứng dụng công nghệ mới tạo ra nhiều giống thủy sản có giá trị, điển hình như: giống cá điêu hồng dòng Ecuador, sinh sản nhân tạo thành công giống cá hô, sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo… Nhờ chất lượng con giống được nâng lên, các vùng nuôi thủy sản đã phát triển mạnh, được đầu tư công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm thủy sản đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong phát triển rau màu, tỉnh khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng an toàn trong nhà màng, nhà lưới, thành lập các hợp tác xã, liên kết sản xuất với DN theo hướng truy nguyên nguồn gốc. Đối với cây ăn trái, đã hình thành các vùng chuyên canh trọng điểm gắn với liên kết tiêu thụ tại các địa phương như: Chợ Mới (xoài), Tri Tôn (chuối cấy mô), An Phú (dưa lưới, dưa lê), Châu Phú (nhãn vàng Mỹ Đức), Tịnh Biên (bơ, mãng cầu, quýt, chúc, dâu)…

Đối với dược liệu, cùng với tăng diện tích các loài có giá trị như: cây huyền, đinh lăng, ngải đen, sâm bố chính, ngải tượng… An Giang đã hình thành vùng nguyên liệu cây dó bầu, trồng tập trung trên núi Dài (Tri Tôn) và núi Cấm (Tịnh Biên) với diện tích hơn 220ha, phục vụ cho 2 cơ sở sản xuất chiết xuất tinh dầu trầm và làm nhang trầm. Dưới tán rừng xã Lê Trì (Tri Tôn), hình thành vùng trồng dược liệu 30ha (sa nhân tím, cà gai leo, sâm bố chính…). Cũng tại Tri Tôn đã phát triển vùng nguyên liệu rau tần dày lá (10-15ha/năm), liên kết tiêu thụ với Công ty CP Dược Hậu Giang.

Đối với nấm ăn, nấm dược liệu, việc sản xuất ứng dụng CNC đã giúp tăng lợi nhuận đáng kể. Các huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu… đã hình thành nhiều nhà trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm rơm, nấm mèo, thành lập các tổ hợp tác sản xuất nấm, mang về lợi nhuận cả trăm triệu đồng/ha. Trong lĩnh vực hoa kiểng, tuy diện tích nhỏ (khoảng 100ha) nhưng giá trị mang lại hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh hình thành các vùng sản xuất hoa nền, cây kiểng, phong lan, mai vàng… có tiếng ở các địa phương, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng giải pháp công nghệ đã được đầu tư, giúp nâng cao phẩm chất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Nắm bắt cơ hội

So các tỉnh trong khu vực, An Giang có nhiều lợi thế phát triển NN. Là địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang được sông Tiền, sông Hậu cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm, ít chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, những cơn bão mạnh. Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho rằng, trong bối cảnh tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, An Giang càng có cơ hội trở thành trung tâm cung ứng lương thực, rau màu, trái cây, thủy sản, thực phẩm chăn nuôi cho thị trường trong và ngoài nước. “Năm 2017, trước nhu cầu lớn về lương thực, thủy sản, giá trị sản xuất NN đạt khá cao. Năm nay, An Giang quyết định giảm 28.000ha lúa để xả lũ nhưng nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ để giảm chi phí sản xuất, trong khi lúa “trúng mùa, được giá” nên nông dân vẫn đạt lợi nhuận cao trên cùng đơn vị diện tích. Đối với cá tra, việc ứng dụng quy trình nuôi tiết kiệm, kiểm soát chất lượng đã giúp giảm giá thành sản xuất xuống còn 18.000 - 19.000 đồng/kg (trước đây hơn 20.000 đồng/kg). Suốt năm 2017, giá cá tra duy trì ở mức cao, đến cuối năm tăng lên 28.000-29.000 đồng/kg, giúp tỷ suất lợi nhuận của người nuôi cá đạt 30 - 40%, trong khi trước đây chỉ khoảng 10%” - ông Thư đánh giá.

Để tận dụng thời cơ thành công cơ hội của NN, ngành NN&PTNT đang triển khai các giải pháp tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất NNƯDCNC, trong đó đẩy mạnh hình thức hợp tác công- tư và tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đến từng sản phẩm cụ thể như: lúa Jasmine, nếp, cá tra, tôm càng xanh, heo, bò, chuối, xoài, cây có múi, rau màu. Hiện nay, Sở NN&PTNT An Giang đang khẩn trương phối hợp các sở, ngành, địa phương, tham mưu điều chỉnh các quy hoạch vùng sản xuất NNƯDCNC phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến 2030. Từ đó, hình thành, phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống NN CLC, tập trung tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất NNƯDCNC cho các sản phẩm mục tiêu (nếp, lúa Jasmine, chuối, xoài, cây có múi, heo, rau màu, cá tra và tôm càng xanh) tại từng địa phương, theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm để tránh phân tán nguồn lực đầu tư…

“Thắng lợi lớn nhất của ngành NN tỉnh An Giang năm 2017 là giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích được nâng lên đáng kể. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nông dân trồng lúa, trồng rau, cây ăn trái, nuôi cá tra... đều phấn khởi khi lợi nhuận tăng lên, thu nhập cải thiện” - ông Trần Anh Thư đánh giá.

 

NGÔ CHUẨN