Nụ cười dịp trăng rằm

25/09/2020 - 05:15

 - Bước vào tháng 7 (âm lịch), gian hàng bánh trung thu được dựng lên ở các tuyến đường nội ô. Trẻ con phố thị nhìn thấy “dấu hiệu” ấy, biết mùa Trung thu gần kề. Nhưng đối với đám trẻ ở làng quê, phum sóc, Trung thu là cái gì đó rất xa xôi. Vậy nên, người lớn phải mang không khí “trăng rằm tháng tám” về thật gần, để các em ghi vào ký ức của mình.

Buổi trưa, đang cắt cỏ cho bò ăn, chị Neàng Sóc Khen (51 tuổi) nghe người thân bảo con gái Lâm Thị Chi (học lớp 1) được UBND xã Tân Lợi (Tịnh Biên, An Giang) thông báo “lãnh thưởng”. Bỏ hết công việc, chị đến trường rước con, rồi 2 mẹ con đội nắng đi bộ đến UBND xã. Nhà thuộc diện cận nghèo, vừa bận rộn đưa rước con đi học, vừa lo nuôi bò, làm thuê, nên chị ít có điều kiện sắm sửa cho con, dù Chi là con gái duy nhất.

Còn quá nhỏ, Chi không biết rõ Tết Trung thu là gì. Nhưng khi được tặng hộp bánh nho nhỏ, Chi mừng lắm, miệng cười tươi rói, ôm hộp bánh không rời tay. “Mấy năm trước, cháu nó đều được tặng bánh, lồng đèn, tôi không cần phải mua gì hết. Mà nếu muốn mua, tôi cũng không đủ tiền. Có món quà này, chắc chắn hôm nay cháu sẽ hỏi suốt “ngày gì mà được tặng quà”, “khi nào tới Trung thu nữa”… cho mà coi” - chị Neàng Sóc Khen bày tỏ niềm vui lây với con trẻ.

Xã Lương Phi (Tri Tôn) vẫn còn đông hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Cứ mỗi mùa Trung thu, địa phương lại huy động tất cả các cấp, ngành, đoàn thể kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ quà cho trẻ em nghèo trên địa bàn. Khoảng 400-500 thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn cần được chăm lo vui Tết Trung thu, nên địa phương cố gắng vận động quà theo số lượng trên.

Đợt này, trao cho những em này, đợt sau sẽ trao cho những em khác, đảm bảo 100% đều có quà, đều được vui Tết. Mấy hôm trước, xã đón đoàn công tác đến trao 100 phần quà trung thu đầu tiên trong năm nay. Khỏi phải nói tụi nhỏ vui thế nào. Các em cười tíu tít suốt buổi sáng, còn đứng trên sân khấu nhận quà mà tay đã vội mở hộp ra xem.

Nhìn các em hớn hở theo cô giáo, cha mẹ ra về, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phi Trần Thị Trúc Linh mỉm cười: “Trung thu của trẻ nhỏ vùng quê đơn giản lắm, không được đủ đầy, nhiều màu sắc, nhiều hoạt động như trẻ em thành thị. Chỉ cần một cái bánh, cái lồng đèn giấy thôi đã quý lắm rồi, giúp các em mường tượng ra không khí Trung thu.

Hiểu được sự thiệt thòi ấy, tuy ngân sách địa phương không nhiều, khả năng tổ chức có hạn, chúng tôi vẫn nỗ lực mang Trung thu đến cho các em. Mấy năm trước, địa phương tổ chức đêm hội trăng rằm thật vui tươi cho tất cả cùng tham gia. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động này phải dừng lại, thay thế bằng buổi “họp mặt” nho nhỏ, số lượng trẻ ít, nhưng tổ chức ở nhiều điểm, cộng thêm các đợt đến thăm hỏi, tặng quà của các nhà hảo tâm gần xa”.

Đoàn công tác Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh vừa tổ chức đến thăm, tặng quà Trung thu cho 300 học sinh là đồng bào DTTS Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã: Lương Phi, Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), Tân Lợi (Tịnh Biên, An Giang); con em tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tổng kinh phí đợt tặng quà khoảng 30 triệu đồng, do DNTN Vàng Kim Hương (TP. Long Xuyên, An Giang) tài trợ. Bà Bành Thị Kim Hương, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Dịp Trung thu này, chúng tôi tặng 2.450 phần quà cho thiếu nhi toàn tỉnh, tổng kinh phí gần 250 triệu đồng. Món quà tuy không lớn, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ phần nào khó khăn, vất vả với gia đình các cháu".

Chương trình “Mang trăng rằm về biên giới” sẽ được một nhóm bạn trẻ tổ chức tại Trường Tiểu học "B" Nhơn Hội (An Phú, An Giang), nơi 70% học sinh là đồng bào DTTS Chăm. Ê-kíp tổ chức đang vận động kinh phí để 400 em học sinh được nhận bánh trung thu, lồng đèn, tập, viết, bình nước đi học, bánh kẹo… “Đây là ngôi trường nhỏ, ở một làng quê nghèo của huyện An Phú. Bà con sống bằng nghề đánh cá, mò ốc, hến sinh sống. Mỗi gia đình có 1-2 chiếc xuồng nhỏ để đánh bắt cá. Từ khi có dịch bệnh COVID-19, đời sống của họ càng thêm khó khăn.

Tuy vậy, các em nhỏ đến tuổi đều được đi học. Trường Tiểu học "B" Nhơn Hội ở gần đó nên việc đi học của các cháu được thuận tiện. Trung thu năm nay, ngoài chương trình vui chơi, tặng quà cho tất cả học sinh của trường, chúng tôi muốn dành cho các cháu những suất học bổng, đóng bảo hiểm y tế học đường, tặng sách giáo khoa mới cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... như là nguồn động viên các cháu vào đầu năm học” - anh Huỳnh Phúc Hậu (đại diện nhóm tổ chức) thông tin.

Tôi nhớ mãi “gửi gắm” của bà Trần Thị Trúc Linh trước khi chia tay đoàn tặng quà: “Rất mong các nhà hảo tâm nếu có dịp hãy về hỗ trợ cho các em thiếu nhi, không chỉ riêng xã Lương Phi, mà ở những nơi còn nhiều khó khăn, vất vả, vùng đồng bào DTTS. Chúng ta cùng kết nối nhiều hơn nữa, cùng chung tay tạo dựng tuổi thơ ấm áp cho các em, để khi lớn lên, các em vẫn nhớ “ngày xưa mình cũng được vui Trung thu”, không cảm thấy quá chênh lệch so với các trẻ em khác”. Tôi tin, chắc chắn lời “gửi gắm” ấy sẽ được thực hiện, sẽ có thêm nhiều nụ cười trẻ thơ tỏa sáng trong đêm rằm hàng năm!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH