Nụ cười mùa Roya Haji

25/06/2023 - 08:42

 - Bà con nhiều làng Chăm tỉnh An Giang sống dọc theo dòng Hậu Giang hiền hòa, cũng mang tính cách hiền hòa, chất phác như phù sa. Một mùa Tết chịu tuổi (Roya Haji) sắp về, phủ đầy ước vọng bình yên, hạnh phúc, may mắn ở từng mái nhà, từng thánh đường, trong từng nụ cười…

Trong nắng chiều, Thánh đường Masjid Al Ehsan (xã Đa Phước, huyện An Phú) bàng bạc một màu cổ tích, như trong chuyện “Nghìn lẻ một đêm”.

Những đứa trẻ làng Chăm thích tụ họp về đây vui chơi, bởi thánh đường có không gian rộng rãi, thoáng mát. Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm luôn xem thánh đường là trung tâm văn hóa, gắn liền mật thiết đời sống hàng ngày.

Theo Ban Quản trị thánh đường, mỗi ngày, tất cả tập trung về thánh đường làm lễ tổng cộng 5 lần (trước khi mặt trời mọc - khoảng 5 giờ; trước giữa trưa -khoảng 12 giờ; xế chiều - khoảng 16 giờ; tối - khoảng 18 giờ; trước khi đi ngủ - khoảng 19 giờ). Ai bận việc, có thể tự cầu nguyện tại nhà.

Trước cửa thánh đường, nhiều hộ người Chăm bày bán đặc sản địa phương, mớ rau, con cá… bán cho xóm giềng. Bà Kah 62 tuổi, nhưng đã xấp xỉ 50 năm theo nghề bán tung lò mò (lạp xưởng bò), chia sẻ: “Ngày thường, tôi bán khoảng 70kg bò, tính luôn xương, luôn tung lò mò. Nhưng ngày Tết Roya Haji, nhiều nơi mổ bò tặng bà con, tôi bán chỉ khoảng 30kg. Có tuổi rồi, tôi ít đi chơi Tết, chỉ quẩn quanh đi chùa xưng tội, thăm bà con, hàng xóm”.

Mỗi ký tung lò mò này, bà Kah bán giá 220.000 đồng. Người mua có nhu cầu loại ít mỡ, bà sẽ làm riêng, giá không đổi. Đây là đặc sản quyến rũ thực khách bằng vị chua của cơm nguội, vị béo ngậy của mỡ bò và đủ thứ gia vị làm nên nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Chăm.

Những cô bé xinh xắn của làng Chăm, giấu mái tóc sau làn khăn mat-tơ-ra huyền bí, mặc những chiếc váy giản dị, dài phủ gót chân.

Đến làng Chăm Đa Phước, dọc theo Quốc lộ 91C, để hòa vào nếp sống yên ả của người dân. Họ chờ đợi những chiếc xe đẩy ngang nhà, mua thực phẩm cho bữa ăn. Họ ngồi hóng mát, trò chuyện, vui vầy cùng con cháu, bên mái nhà quen thuộc của mình bao đời.

Ở làng Chăm Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), nhịp sống vẫn rất chậm rãi, không hề bị tác động bởi lượng khách du lịch xa gần. Đồng bào sống trong những căn nhà sàn – nét truyền thống của “xứ vượt lũ” thượng nguồn. Giờ, lũ không còn về như xưa, nên những căn nhà xây dựng sau đều giống với nhà người Kinh, vững chãi trên mặt đất.

Bà Salimas (70 tuổi) sống cố cựu ở đây cả đời mình. Tỉ mẩn đổ bánh, bà đang chờ người thân ở xa về ăn Tết Roya Haji. Mỗi năm, gia đình bà ăn Tết truyền thống bằng những món bánh tự làm, bằng nồi cà ri bò thơm lừng, trong không gian ấm áp tình nghĩa làng xóm.

Chiếc bánh này giống hệt bánh bông lan thường thấy, có tên “bánh bông lan giòn”, cũng làm từ bột, trứng vịt, đường. Nhưng khi ăn vào, ngoài độ giòn từ ngoài vỏ bánh vào trong, còn có lớp đường ngọt dịu bao quanh khoang miệng. Lúc trước, bà Salimas hay đổ bánh bán. Giờ, bà chỉ làm cho con cháu trong nhà ăn dịp lễ, Tết mà thôi.

Chiều tà, phụ nữ các làng Chăm bận bịu việc cơm nước, trông giữ trẻ nhỏ…

Còn đàn ông lại đợi đến giờ đi lễ ở các thánh đường (chùa lớn), tiểu thánh đường (chùa nhỏ). Như ông Sakrija (52 tuổi), đến Tiểu thánh đường Hayatul Islam (xã Châu Phong) trước 18 giờ, chờ đợi hơn 30 phút mới đến thời gian làm lễ.

Ông bảo, đến càng sớm, càng được phước nhiều. Từ 15 tuổi, nam lẫn nữ trong cộng đồng đều phải đi lễ chùa, cho đến khi không còn đi nổi thì thôi. Phụ nữ sẽ được bố trí cầu nguyện riêng biệt với đàn ông, bằng tấm màn che kín. Ở khu vực này, có đến 7 làng Chăm, nên họ chia nhau đi lễ ở nhiều nơi.

Những tiếng chuông vang lên khi trời sập tối. Trước lúc vào thánh đường, tất cả phải rửa tay, chân, mặt mũi thật sạch sẽ, tránh làm ô uế chốn thần linh.

Khi những lời nguyện cầu vang lên, tất cả thực hiện nghi lễ bằng lòng thành kính sâu sắc, không còn bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố ngoại cảnh.

Những đứa trẻ dưới 15 tuổi đã được cho đi lễ “tập sự”, với niềm tin rằng, chúng sẽ được nhận phước lành nhiều hơn. Giữa những lời kinh Qur’an, là niềm mong ước của từng người về một mùa Roya Haji đầm ấm, vui tươi, an lành, cho chính mình, gia đình và cho cộng đồng.

GIA KHÁNH