Gần cầu Vàm Cống, nối liền xứ Cần Thơ – Đồng Tháp – An Giang, là làng chiếu bình yên, thuở xưa nổi tiếng với tên gọi “chợ chiếu ma”. Bởi, hồi trước làng nghề hoạt động tưng bừng vào lúc trời chưa tỏ mặt người, lúc tang tảng sáng.
Muốn biết đã đến nơi chưa, cứ ngóng xem 2 bên đường. Hễ xuất hiện sắc màu xanh, đỏ, vàng… bắt mắt của lát, của chiếu, tức là đã bước vào địa phận làng chiếu Định Yên vang danh.
Như nếp sống của người xưa truyền lại, qua cây cầu, qua đình làng, là “trung tâm” của làng nghề dệt chiếu Định Yên. Chứ thật ra, nghề dệt chiếu trải dài khắp xã, nơi nào cũng tất bật với sắc màu của lát, của chiếu, của nghề trăm năm.
Trong làng truyền thống ấy, có nụ cười hiền hậu của ông Huỳnh Văn Chiến (ngụ ấp An Khương). Sống ngót 70 tuổi, thì 50 năm ông gắn bó với nghề. Gắn bó lâu dài đến mức, ông chẳng nỡ xa khung dệt tay. Ông bảo, già yếu rồi, không thể điều khiển máy dệt được nữa.
Nhưng phần nhiều, có lẽ là do ông thích túc tắc dệt từng sợt lát, cùng người vợ tào khang. Cách làm chiếu xưa cũ, trong không gian xưa cũ, cạnh người xưa cũ, mang đến cảm giác bình yên, như tên gọi “làng chiếu Định Yên”.
Cả khu vực này, chỉ còn 1-2 người chịu khó dệt tay, chủ yếu để khách phương xa đến tham quan, hiểu hơn về nét văn hóa của nghề. Chứ mỗi ngày, họ chỉ dệt được 1-2 lá chiếu, thu nhập chưa đến 50.000 đồng. Khung dệt mòn răng, cây truồi bằng gỗ thao lao gãy mấy lần vẫn chưa có nơi nào gia công mới…
Dòng chảy thời gian sẽ bù lại những điều thuộc về quá khứ. Làng chiếu giờ nhộn nhịp hơn xưa, bởi tiếng máy chạy rồ rồ cả ngày. Người trẻ tiếp nối nghề truyền thống ông bà, nhờ máy móc hiện đại mà tăng năng suất gấp chục lần. Chị Trần Thị Kim Chon (30 tuổi) khẳng định, nghề nào ế, chứ nghề làm chiếu này đắt quanh năm, làm hoài được hoài.
Cũng tỉ mẩn phối màu từng sợi lát để tạo thành hoa văn trên chiếu, nhưng máy hỗ trợ thợ hoàn thành tấm chiếu chỉ 1 giờ đồng hồ. Người trẻ nhớ thao tác, nhớ số thứ tự màu lát. Còn người lớn tuổi, thừa kinh nghiệm, song thiếu trí nhớ, thi thoảng xáo trộn thứ tự. Chả sao, chiếu vẫn bán đắt, chẳng khách nào bắt bẻ từng chi tiết nhỏ như thế.
Ngày cuối năm, làng chiếu được nhuộm trong ánh nắng sặc sỡ, rất bắt mắt, nhưng cũng rất êm đềm. Họ đem màu đi nhuộm, đi phơi, đi giao cho bạn hàng, cũng để tô điểm thêm cho cuộc sống ổn định của chính mình.
Nghề dệt chiếu giúp đời sống người dân nơi đây khấm khá, nhiều cơ sở lớn mọc lên, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Họ sản xuất chiếu bằng máy móc hiện đại, bằng dây chuyền công nghiệp với số lượng lớn, cung ứng cho thị trường đủ mẫu mã, màu sắc. Mỗi tấm chiếu có giá từ vài chục ngàn, đến hơn trăm ngàn, tùy theo độ dày mỏng, theo kích thước.
Bên kia sông, góp phần làm sung túc làng nghề dệt chiếu, là bến ghe lát, cung cấp nguyên liệu chính cho làng nghề. Bến xôm tụ đến mức, tàu thuyền phải sắp hàng, đợi lượt mới ghé vào bờ được. Bà Trần Thị Quyên (55 tuổi) mất 8 tiếng đồng hồ lắc lư trên ghe, mới chở lát từ tỉnh Vĩnh Long về đến Định Yên.
Mua tại ruộng giá 21.000 đồng/kg lát, họ đem đi bán lại làng chiếu giá 22.000 đồng. Lời meo, nhưng bù lại hàng lúc nào cũng hút, bán không kịp thở! Xong đợt hàng này, bà quày quả trở về Vĩnh Long, tiếp tục chở chuyến khác cho khách.
Nhân công lẫn chủ ghe đều tất bật tại bến lát, mà nụ cười cứ thường trực trên gương mặt. Sắp Tết rồi, họ sẽ ngơi chuyến đi, chừa hàng, chừa sức cho đợt mua bán nhộn nhịp gấp mấy lần, vào rằm tháng Giêng tới...
KHÁNH ĐĂNG