Cao Thị Anh Thư khai nhận tại tòa, phía sau là người mẹ dõi theo
Cả cuộc đời bà B. gắn bó với làng quê, ruộng rẫy. Vất vả, khổ sở thế nào, bà đã nếm trải đủ. Vậy nên, bà mong cô con gái lớn Cao Thị Anh Thư (sinh năm 1996) được học hành đàng hoàng, được ổn định cuộc sống. Thư đi học đại học, bà đều đặn gửi tiền chăm lo. Thư bỏ dở việc học, nghe lời bạn bè giới thiệu, chuyển sang đi làm, bà cũng tôn trọng quyết định của con. Ở nơi đất khách quê người, chắc chắn cuộc sống của con rất khó khăn. Vậy thì, bà sẽ làm điểm tựa cội nguồn, giúp đỡ mỗi khi con vướng mắc.
Đùng một cái, giữa năm 2020, bà nhận được hung tin: Thư có hành vi gian dối trong kinh doanh, chiếm đoạt tiền của công ty hơn 700 triệu đồng. Công ty đó tên gì, bà không biết, con làm sai thế nào, bà cũng không nắm. Nhưng “con dại, cái mang”, vợ chồng bà quyết định bán tất cả tài sản, ruộng vườn, gom góp cả tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho con.
Cuộc sống gia đình gần như bế tắc, cái nghèo, cái khó và bệnh tật bủa vây. Bà chấp nhận đánh đổi, chỉ cầu mong Thư bình an. Những tưởng mọi thứ sẽ ổn thỏa, nào ngờ, cô con gái của bà túng quẫn, tính toán sai lầm. Thư bị khởi tố, tạm giam, khi mới 25 tuổi.
Ngày Thư ra tòa, do giãn cách xã hội, bà là người thân duy nhất được dự khán. Mấy tháng trời không gặp, cô con gái bé nhỏ của bà gần ngay trước mắt, tiếng nói vang vọng trong phòng xử, mà bà chẳng thể nào chạm vào được. Bà chỉ có thể níu ánh mắt vào bóng lưng của con. Tóc con đã dài, phai màu nhuộm. Vóc dáng nhỏ bé, lọt thỏm trong bộ quần áo bị cáo. Chiếc khẩu trang che kín mặt Thư suốt phiên tòa, chỉ lộ đôi mắt hoe đỏ. Còn bóng lưng của bà, chỉ có chúng tôi nhìn thấy: gầy hao, đơn độc, già nua…
Trước ánh nhìn đau đáu của mẹ, Thư kể lại toàn bộ vụ án. Ngày 10-12-2018, Thư được Công ty TNHH S. (tỉnh Nghệ An, kinh doanh lĩnh vực cho thuê tài chính, dịch vụ cầm đồ, quản lý quỹ…) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Thư làm việc tại chi nhánh Long Xuyên 1 (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên), với vai trò nhân viên kinh doanh, phụ trách tư vấn, lập hồ sơ và giải ngân cho khách hàng có nhu cầu vay tiền, thông qua hình thức cầm cố giấy chứng nhận đăng ký xe môtô.
Khoảng 7 tháng sau, do cần tiền tiêu xài, Thư nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Khi có khách hàng liên hệ, Thư lấy thông tin của họ, lập hồ sơ vay tiền, gửi hồ sơ vào hệ thống công ty. Công ty xét duyệt cho vay, chuyển tiền về các tài khoản do Thư quản lý. Tuy nhiên, Thư không giao tiền cho khách, nói dối họ là “Công ty không đồng ý cho vay”.
Tháng 5-2020, nhân viên thu nợ của công ty điện thoại nhắc khách hàng trả tiền vay, thì mọi hành vi của Thư bại lộ. Trong gần 1 năm, Thư lập 47 hồ sơ khống và 1 hồ sơ nâng khống số tiền vay (khách vay 7 triệu đồng thì Thư nâng lên 12 triệu đồng, chiếm đoạt phần chênh lệch), tổng số tiền gần 720 triệu đồng. Nhưng chưa dừng lại ở đấy. Sợ công ty phát hiện, thông qua mạng xã hội, Thư tìm mua 47 giấy chứng nhận đăng ký xe môtô (giá 500.000 đồng/giấy), giả chữ ký khách hàng, ký tên vào hợp đồng vay, phiếu thu, phiếu chi và gửi về chi nhánh tỉnh Vĩnh long theo yêu cầu công ty.
Sự việc vỡ lỡ, gia đình gom góp tiền gửi cho Thư khắc phục hậu quả. “Lúc đầu, bị cáo thanh toán đầy đủ tiền vay hàng tháng cho “khách hàng”. Nhưng dần dần, số tiền quá lớn, bị cáo không xoay sở nổi. Vì vậy, bị cáo “vay nóng” 100 triệu đồng ở bên ngoài, đắp vào. Sau đó, "lãi mẹ đẻ lãi con", phía cho vay tiền tấn công quá, bị cáo chịu không xiết. Nên khi cha mẹ gửi tiền khắc phục, bị cáo trả trước cho bên “tín dụng đen”, rồi trả công ty hơn 330 triệu đồng. Số nợ hơn 380 triệu đồng còn lại, bị cáo không đủ khả năng trả, công ty gửi đơn tố giác đến công an” - Thư khai nhận.
25 tuổi, Thư phải chịu mức án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Từ lúc Thư bị bắt đến nay, lần nào gặp con, bà B. đều khóc. Không khóc sao được, khi đứa con bà cưng chiều hết mực bỗng trở thành tội phạm. Bao cay đắng cuộc đời, bà chấp nhận gánh chịu, chỉ mong con hóa nguy thành an. Cuối cùng, của cải gia đình ra đi, con bà vẫn phải chịu án tù. Đáng lẽ, bà chờ đợi con thành gia lập thất, cuộc sống ổn định, giờ phải đi thăm nuôi con hàng tháng, gửi con từng cái bánh, chai nước…
Kết thúc phiên tòa, bà chạy đến ôm con. Vòng tay gầy guộc của người mẹ thấm đẫm bao dung, thấm mặn giọt nước mắt của đứa con bồng bột. Xe chuyên dụng chở Thư về trại tạm giam, khi trời bắt đầu tắt nắng. Bà tần ngần đứng trong sân tòa, tiếng khóc nén chặt sau chiếc khẩu trang. Vị luật sư khuyên bà về sớm, đường còn xa. Bà lại đứng cô độc bên chiếc xe máy, lóng ngóng cài quai nón bảo hiểm, đôi mắt ướt từ đầu phiên tòa đến giờ, chẳng có ai lau khô. Con đường về nhà của bà dẫu xa, cũng chẳng thể nào xa bằng con gái mình…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG