Cụ thể, năm 1997 - 2002 Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã hợp tác với các nhà khảo cổ Việt Nam thực hiện các đợt điền dã, khảo sát, khai quật khảo cổ học trên diện rộng từ triền núi Ba Thê đến cánh đồng Óc Eo. Thực hiện Đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo) của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 2017 đến 2020 có hơn 10 di chỉ khảo cổ được khai quật tiếp tục trên quy mô lớn.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo
Kết quả khai quật tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.
Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê đã phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.
Năm 2012, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; tháng 1 năm 2021 đã có quyết định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho toàn bộ 433,2ha trong phạm vi di tích quốc gia đặc biệt.
Ban Quản lý Di tích Óc Eo tỉnh An Giang cũng được thành lập vào tháng 5/2013 để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong vùng đệm bảo vệ, các nhà cao tầng không được xây dựng.
Song song đó, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân các luật và nghị định của Chính phủ, như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam, Luật Du lịch, Luật Bảo vệ môi trường… để người dân cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trong khu vực và thế giới.
SONG MINH