Olympic 'trắng' huy chương và câu chuyện trách nhiệm

10/08/2024 - 11:02

Người hâm mộ thể thao nước nhà thất vọng về một kỳ Olympic "trắng" huy chương cho dù được đầu tư bài bản, chương trình luyện tập công phu, các vận động viên rất nỗ lực vì màu cờ sắc áo… nhưng mọi thứ không như giấc mơ. Điều đáng nói là dường như không ai phải chịu trách nhiệm về thành tích bết bát này.

Olympic 'trắng' huy chương và câu chuyện trách nhiệm- Ảnh 1.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh lỡ huy chương đầy tiếc nuối - Ảnh: Reuters

Đoàn thể thao Việt Nam chính thức khép lại các nội dung thi đấu của mình ở Olympic Paris (Pháp) 2024 trong ngày 8/8, dù cho đấu trường vẫn còn tranh tài tới ngày 11/8.

16 vận động viên Việt Nam tham gia tranh tài 11 môn tại Olympic Paris đều nỗ lực và quyết tâm trong nội dung của mình nhưng chưa thể chạm tay vào tấm huy chương.

Người hâm mộ thất vọng tràn trề khi thể thao Việt Nam không giành bất kỳ thành tích nào tại Olympic Paris 2024. Việt Nam luôn đứng đầu SEA Games nhưng thua xa các nước trong khu vực ở đấu trường lớn nhất hành tinh.

Kết quả đáng buồn này khiến không ít người suy ngẫm, đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý, của ngành thể thao khi một lần nữa Việt Nam lâm cảnh trắng tay ở Olympic dù nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn.

Không chỉ là một mà đến hai chu kỳ Olympic, thể thao Việt Nam có sự thụt lùi đáng quan ngại. Tại Olympic Rio 2016, đoàn thể thao Việt Nam cử 23 vận động viên tranh tài ở 10 môn, giành được 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và thiết lập 1 kỷ lục Olympic. Năm 2021, có 18 vận động viên Việt Nam giành vé đến Tokyo và phải chấp nhận ra về mà không giành nổi một huy chương nào. Năm 2024, có 16 tuyển thủ Việt Nam đến Paris đua tài ở 11 môn và cũng lâm cảnh trắng tay.

Câu chuyện trách nhiệm một lần nữa lại được đặt ra khi sau kỳ Olympic nữa, mọi thứ như không hề thay đổi. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chúng ta đang tụt hậu trong thực hiện "Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do chính ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng.

Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng trong khi chúng ta đang loay hoay với vấn đề rất cũ là đầu tư dàn trải, không tập trung nguồn lực cho số ít môn trọng điểm hay vận động viên trọng điểm thì các nước láng giềng đã có vận động viên vươn lên tầm thế giới. Hay kệ họ, mình tụt lùi quen rồi?

Chính phủ đã tạo điều kiện tập trung nguồn lực đáng kể cho các môn mũi nhọn và các vận động viên trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thực thi, ngành thể thao thiếu quyết tâm cũng như thiếu tham vọng thực sự.

Cách đây 3 năm khi trắng tay tại Olympic Tokyo 2021, chúng ta đã có bài học, đã chỉ ra được những hạn chế. Nhưng sau 3 năm, ngành thể thao Việt Nam khắc phục ra sao, có chủ động khắc phục điểm yếu hay không thì ngành thể thao Việt Nam cần làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cá nhân cụ thể gắn với thành tích yếu kém này.

Nhiều người cũng hay nhắc lại mục tiêu thành tích rất "trừu tượng" mà ngành thể thao hay đặt ra, thay vì đặt mục tiêu đạt huy chương cụ thể ở môn thể thao hay vận động viên nào, thì chỉ đưa ra khẩu hiệu "phấn đấu có huy chương" hoặc "vượt lên chính mình"…

Giờ là lúc ngành thể thao Việt Nam cần nhìn thẳng vào sự thật, các cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém này và nên chọn những vị lãnh đạo có đủ tâm, đủ tầm, đủ trách nhiệm, đủ kinh nghiệm dẫn dắt thể thao thành tích cao của nước nhà.

Việt Nam có hơn 100 triệu dân, chúng ta đã có bước tiến thần kỳ về phát triển kinh tế, về bảo đảm an sinh xã hội... nhưng đạt được những thành tích cao, những tấm huy chương danh giá… thì vẫn chỉ là ước mơ. Ngay bây giờ, chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, trách nhiệm cụ thể và rõ ràng, không để trắng tay về huy chương.

Theo ĐỨC TUÂN (CHÍNH PHỦ)