Ông Kim Jong Un hài lòng với sự đón tiếp của Hàn Quốc

14/02/2018 - 10:50

Phái đoàn Triều Tiên trở về từ Hàn Quốc mang theo “tin vui” cho quan hệ song phương, với lời mời Tổng thống Hàn Quốc tới thăm trong tương lai gần.

Triều Tiên hài lòng với chuyến thăm Hàn Quốc

Ngày 13-2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp phái đoàn cấp cao vừa trở về từ Hàn Quốc để nghe báo cáo vắn tắt chuyến đi. Ông Kim Jong Un thể hiện sự hài lòng với kết quả chuyến thăm của phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc, trong đó có em gái mình bà Kim Yo Jong. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định tầm quan trọng trong việc duy trì bầu không khí hòa giải với Hàn Quốc.


Nhà lãnh đạo Kim Jong Un nghe phái đoàn báo cáo sau khi từ Hàn Quốc trở về. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã rất ấn tượng với sự tiếp đón của Hàn Quốc với phái đoàn cấp cao Triều Tiên, đồng thời cảm ơn vì Hàn Quốc đã “nỗ lực hết mức có thể để tiếp đón những vị khách đến từ Triều Tiên”.

Theo KCNA, ông Kim Jong Un nhấn mạnh việc tiếp tục các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Với cương vị đặc phái viên của anh trai mình, bà Kim Yo Jong khi tới Hàn Quốc cũng đã gửi lời mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Triều Tiên trong tương lai gần. Tổng thống Hàn Quốc chưa có câu trả lời ngay trước lời mời này.

Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, hai bên cần xây dựng môi trường để cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo liên Triều có thể diễn ra. Tổng thống Moon Jae-in cũng kêu gọi nhanh chóng khôi phục đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ.

Phái đoàn cấp cao Triều Tiên đã trở về nước tối ngày 10-2 (theo giờ địa phương) sau chuyến thăm ba ngày tới Hàn Quốc.

Tại Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018 tại thành phố PyeongChang của Hàn Quốc, giới chức cấp cao Triều Tiên đã chạm mặt Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng các bên đều phớt lờ lẫn nhau.

Tuy nhiên, trước khi KCNA lên bài viết này khoảng 1 giờ đồng hồ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố rằng Mỹ để mở các cuộc đối thoại với Triều Tiên mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.


Tổng thống Hàn Quốc gặp Chủ tịch Đoàn Chủ tịch hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên ông Kim Yong-nam và em gái, đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo Jong. Ảnh: Reuters

Đối thoại nhưng không quên trừng phạt

Phát biểu của Phó Tổng thống Pence khiến Hàn Quốc mở cờ trong bụng, khi nước này luôn lo ngại việc tiến xa hơn con đường hòa giải liên Triều sẽ làm sứt mẻ quan hệ với đồng minh lớn là Mỹ.

Dưới góc nhìn của giới quan sát, sự tiếp xúc ngoại giao Mỹ-Triều sẽ không hề dễ dàng và nó sẽ chỉ được bắt đầu khi nào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa từng gặp bất cứ một nhà lãnh đạo nước ngoài nào, nhưng việc mời Tổng thống Hàn Quốc tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh hiếm hoi không có nghĩa là ông Kim sẵn sàng nói chuyện với giới chức Mỹ.

Mỹ rất hoan nghênh diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều, đặc biệt sau khi chứng kiến những cuộc gặp giữa giới chức hai miền Triều Tiên bên lề Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn với Tờ Bưu Điện Washington (The Washington Post) ngay trên phi cơ từ Hàn Quốc trở về Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence kỳ vọng rằng sự nồng ấm trong quan hệ liên Triều có thể mở ra các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy vậy, Washington vẫn phải nhất trí với Seoul việc cần thiết phải tăng cường trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bình luận về khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, Phó Tổng thống Mỹ cho biết Washington sẽ tăng cường tối đa sức ép với Bình Nhưỡng, nhưng cùng lúc đó sẽ để mở kênh đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.

Tờ Bưu Điện Washington dẫn lời ông Pence nhấn mạnh: “Sức ép với Triều Tiên sẽ không kết thúc cho đến khi họ thực sự có hành động khiến chúng tôi tin rằng đó là bước tiến quan trọng hướng tới phi hạt nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục và tăng cường sức ép tối đa. Nhưng nếu Triều Tiên muốn đối thoại, chúng tôi sẽ đối thoại”.

Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên xứng danh “vũ khí” ngoại giao

Sự xuất hiện đặc biệt của đặc phái viên, đồng thời là em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, khiến nhiều giới quan sát ở cả Washington và Seoul lo ngại quan hệ cải thiện giữa 2 miền Triều Tiên sẽ khiến Hàn Quốc xa rời đồng minh Mỹ.

“Bà bà Kim Yo Jong đã làm giới chức Hàn Quốc xiêu lòng, dù rằng họ vẫn luôn hoài nghi về hành động của nhà lãnh đạo Triều Tiên”, các nhà phân tích nhận định.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Mỹ đã mất cảnh giác trước chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên. Và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thành công”.

Chỉ vài tháng trước đây, căng thẳng còn leo thang tột độ trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên với những lời lẽ nặng nề giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong Un. Song, những tuyên bố thể hiện sự trái ngược quan điểm, chính sách giữa Tổng thống Trump và các thành viên chính phủ Mỹ là điều không hề mới. Do đó, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên của Phó Tổng thống Mike Pence không chắc có phải là sự chuyển hướng trong chiến lược của Mỹ hay không.

Trong khi đó, Triều Tiên đến nay không cho thấy họ quan tâm và muốn đối thoại với Mỹ. Thậm chí Triều Tiên không có ý định đàm phán về việc từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12-2 nói rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá những diễn biến tích cực mới giữa 2 miền Triều Tiên có thể mở đường cho một tiến trình ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tháng 12-2017, ông Tillerson từng đề nghị đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, song nhà Ngoại giao Mỹ sau đó nói rằng để đàm phán diễn ra thì tình hình phải lắng dịu trước tiên, theo đó, Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của mình.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc xác nhận lập trường của nước này là tách biệt các cuộc đàm phán liên Triều với các hành động của Mỹ nhằm gây sức ép và trừng phạt với Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Tờ Bưu điện Washington cũng cho biết, khi gặp Phó Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc đã xoa dịu đồng minh khi nói rằng ông đã khẳng định với phía Triều Tiên rằng Hàn Quốc không nhượng bộ chỉ để nói chuyện mà là nhằm hướng tới các bước để phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Song theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, những “lời lẽ cay nghiệt” từ Mỹ, kể cả những đe dọa tấn công quân sự, sẽ không giúp ích cho sợi dây liên lạc ngoại giao vốn rất mong manh giữa Hàn Quốc với Triều Tiên.

Phó Tổng thống Pence cũng cho biết, chính quyền của Tổng thống Trump hoan nghênh các cuộc đối thoại liên Triều, song Washington vẫn lo ngại Triều Tiên có thể lợi dụng đàm phán để “câu giờ” cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Theo HOÀNG LÊ (VOV)