Pakistan: Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới hệ thống y tế

27/02/2023 - 08:44

Do thiếu dự trữ ngoại hối nên khả năng nhập khẩu các loại thuốc cần thiết hoặc thành phần dược hoạt tính (API) được sử dụng trong sản xuất trong nước của Pakistan đã giảm sút.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Lahore, Pakistan. Ảnh (tư liệu) minh họa: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Nam Á dẫn nguồn tin từ truyền thông khu vực ngày 26/2 cho biết, trong bối cảnh nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Pakistan cho năm tài chính hiện tại (2022-2023) vượt quá 23 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD đã được thanh toán và 4 tỷ USD được gia hạn, các báo cáo cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pakistan đã bị ảnh hưởng nặng nề và nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các loại dược phẩm thiết yếu.

Do thiếu dự trữ ngoại hối nên khả năng nhập khẩu các loại thuốc cần thiết hoặc thành phần dược hoạt tính (API) được sử dụng trong sản xuất trong nước của Pakistan đã giảm sút. Trong bối cảnh bệnh nhân phải chịu đựng trong bệnh viện, các nhà sản xuất dược phẩm Pakistan đã buộc phải cắt giảm sản xuất và các bác sĩ không thể phẫu thuật do thiếu thuốc và thiết bị y tế. Theo báo chí sở tại, ngay cả các phòng phẫu thuật cũng chỉ còn lại số thuốc mê đủ dùng trong chưa đầy 2 tuần cho các ca phẫu thuật như tim, ung thư và thận.

Ngành sản xuất dược phẩm của Pakistan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với gần 95% thuốc cần nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có cả Ấn Độ và Trung Quốc. Hiệp hội Y tế Pakistan (PMA) đã kêu gọi chính phủ can thiệp để ngăn ngừa một thảm họa. Tuy nhiên, các nhà chức trách thay vì thực hiện các biện ngay lập tức vẫn đang cố gắng đánh giá về mức độ thiếu hụt.

Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và đồng rupee giảm giá mạnh đã khiến giá hàng hóa nhập khẩu leo thang. Sau nhiều tháng do dự trước các điều kiện vay nợ ngặt nghèo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chính phủ Pakistan mới đây đã phải chấp thuận những điều kiện của tổ chức này để cứu đất nước đang trong cảnh cạn kiệt dự trữ ngoại hối và tình hình kinh tế đang ngày càng xấu đi.

Hiện cơ quan quản lý ngành y tế Pakistan chưa xác nhận hay bình luận gì về thông tin nêu trên.

Theo TTXVN

 

Liên kết hữu ích