Thành viên của các cộng đồng bản địa và nông dân trong một cuộc biểu tình ở Cuzco, Peru, chống lại việc phế truất cựu Tổng thống Pedro Castillo. Ảnh: Reuters
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Alberto Otárola nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp là một phản ứng mạnh mẽ và thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm hạn chế các hành vi phá hoại và bạo lực. Theo ông Otárola, Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Vũ trang Peru đã giành lại quyền kiểm soát nhiều tuyến cao tốc và đường giao thông huyết mạch bị những người biểu tình bạo lực phong tỏa.
Bộ trưởng Quốc phòng Peru chỉ rõ các biện pháp này được thúc đẩy nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự nội bộ, từ đó đảm bảo tự do đi lại và hòa bình cho người dân. Quan chức này cũng cho biết Peru đang xác định các khuôn khổ pháp lý để cân nhắc ban bố lệnh giới nghiêm.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống nước này Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức đã bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này. Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte leo thang cuối tuần qua khi đám đông đụng độ cảnh sát, kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Cho đến nay đã có 7 người biểu tình thiệt mạng và hơn 100 cảnh sát bị thương trong các vụ bạo lực ở Peru.
Theo MAI PHƯƠNG (TTXVN)