PGS trẻ Việt Nam được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Đại học danh tiếng ở Mỹ

19/04/2019 - 14:42

PGS.TS Trần Xuân Bách, giảng viên của ĐH Y Hà Nội vừa được bổ nhiệm chức danh Giáo sư (kiêm nhiệm) của ĐH Johns Hopkins danh tiếng của Mỹ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Xuân Bách, giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội, vừa được bổ nhiệm chức danh GS (kiêm nhiệm) của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Đây cũng là một trong những GS trẻ tuổi nhất của trường đại học danh tiếng ở Mỹ này.

PGS.TS Trần Xuân Bách, giảng viên của ĐH Y Hà Nội được bổ nhiệm chức danh Giáo sư (kiêm nhiệm) của ĐH Johns Hopkins (ảnh NVCC)

Theo trang web của ĐH Johns Hopkins, PGS Trần Xuân Bách là người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu. Các nghiên cứu của PGS Bách tập trung vào việc xác định các can thiệp có tính chi phí - hiệu quả, đánh giá các dịch vụ và đổi mới y tế và củng cố các hệ thống y tế. Vị GS trẻ tuổi này cũng là người giành được nhiều giải thưởng nghiên cứu trong nước và quốc tế, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nghiên cứu AIDS của ĐH Johns Hopkins, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Anh cũng thường xuyên công bố nghiên cứu và tham gia biên tập nhiều tạp chí khoa học uy tín.

Sinh năm 1984, PGS.TS Trần Xuân Bách từng tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc tại ĐH Alberta, Canada vào năm 2011 và được ĐH này trao Giải thưởng Khởi đầu Sự nghiệp năm 2017. Năm 2018, PGS Trần Xuân Bách đã được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina).

Hiện nay, PGS Trần Xuân Bách giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế tại trường ĐH Y Hà Nội. Với vai trò là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, PGS Trần Xuân Bách luôn tích cực trong việc thúc đẩy nghiên cứu y học và thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Chỉ nhận mình làm tốt nhiệm vụ của một cán bộ giảng dạy

Năm 2016, cả nước có 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Trong số đó, người trẻ nhất trong danh sách PGS là nhà giáo Trần Xuân Bách.

Hội đồng chức danh GS Nhà nước trao chứng nhận chức danh PGS trẻ tuổi nhất cho anh Trần Xuân Bách năm 2016

Ở thời điểm được công nhận là PGS, anh Trần Xuân Bách có 50 bài báo quốc tế SCI, SCIE, SSCI và Scopus, chỉ số H = 22 (ở Mỹ: H = 12 → PGS, H = 18 → GS); tham gia ban biên tập hai tạp chí quốc tế có uy tín. H = 22 có nghĩa là tân PGS Trần Xuân Bách có 22 bài báo quốc tế chất lượng cao và mỗi bài trong số đó được trích dẫn 22 lần trở lên.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN về mong muốn và kỳ vọng khi theo đuổi các nghiên cứu khoa học của mình, PGS Trần Xuân Bách bày tỏ: “Đóng góp và ảnh hưởng của một cán bộ y tế không chỉ ở các bài báo quốc tế hay “chỉ số H”, mà còn ở việc phụng sự, cứu chữa và chăm sóc người bệnh. Nhiều thầy cô của trường ngày đêm tận tình khám chữa bệnh và giảng dạy thực hành lâm sàng, đào tạo ra nhiều bác sĩ có tay nghề cao. Tôi cho rằng, đó là những chỉ số ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất.

Về phần mình, tôi chỉ dám nhận là mình cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một cán bộ giảng dạy, một nghiên cứu viên trong lĩnh vực chuyên môn hạn hẹp của mình”.

Các nghiên cứu mà anh Trần Xuân Bách đã và đang thực hiện hướng đến một mục tiêu là góp phần xây dựng những nhóm nghiên cứu mũi nhọn - hạt nhân của mô hình Đại học Nghiên cứu. Trong đó, gắn kết quá trình tạo ra tri thức - nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu tại cơ sở học thuật với quá trình sử dụng tri thức, nhằm đáp ứng nhu cầu về bằng chứng khoa học và thông tin chiến lược phục vụ phát triển chính sách của các cơ quan quản lý. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu và can thiệp nhằm xác định và giải quyết những vấn đề y tế công cộng nổi cộm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đa dạng và thay đổi nhanh chóng của cộng đồng”.

ĐH Johns Hopkins thành lập năm 1876, là đại học nghiên cứu đầu tiên của Mỹ, được coi là trường đại học đầu tiên, lớn nhất, và tốt nhất thế giới trong lĩnh vực y tế công cộng. ĐH Johns Hopkins cũng xếp thứ 12 thế giới trong tất cả các chuyên ngành theo Bảng xếp hạng ĐH thế giới của Times Higher Education. 
Quy chế xét phong học hàm của các đại học nghiên cứu ở Mỹ áp dụng như nhau cho các ứng viên GS cơ hữu và kiêm nhiệm, phải qua 2 hội đồng cấp Khoa và Trường và được phản biện kín bởi các nhà khoa học hàng đầu thế giới khác.

Nhìn nhận về việc thu hút người có học hàm, học vị trình độ cao tham gia vào công tác giảng dạy ở các trường đại học, anh Trần Xuân Bách cho rằng, việc thu hút những cán bộ có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn, trong quản lý hay phát triển doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo tại các trường đại học là một chiến lược đúng đắn và là đòi hỏi tất yếu trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, GS trẻ tuổi Trần Xuân Bách nhận thấy rõ nét sự quan tâm, đầu tư phát triển, ghi nhận và tập hợp nguồn lực con người từ tất cả các cấp lãnh đạo cũng như ở nhiều trường đại học trong cả nước. Đến nay, có rất nhiều trí thức tâm huyết trong và ngoài nước tham gia các chương trình kết nối, cộng tác. Nhiều nhà khoa học quốc tế đem kinh nghiệm, cơ hội và nguồn lực về nước hỗ trợ, hướng dẫn cho các cán bộ ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu viên trẻ được tham gia các chương trình học tập ở nước ngoài. Đây là một quá trình có sự tham gia và quyết tâm của rất nhiều ban, ngành và toàn xã hội.

GS Trần Xuân Bách bày tỏ sự tin tưởng vào việc phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu của Việt Nam.

Theo VOV