Người dân bơi trong một hồ nước ở Punkaharju, Phần Lan. (Nguồn: Getty Images)
Năm 2020, Phần Lan được Liên hợp quốc công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới năm thứ 3 liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo Chỉ số Hạnh phúc 2020 của Liên hợp quốc dựa trên việc khảo sát ý kiến người dân ở 156 quốc gia trên thế giới về mức độ hạnh phúc của chính họ và những chỉ số như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và các cấp độ tham nhũng.
Cũng giống như các báo cáo được công bố trong 7 năm trước, năm nay, các quốc gia vùng Tây Bắc Âu vẫn chiếm đa số trong tốp 10 quốc gia hàng đầu, cùng một số quốc gia khác như Thụy Sĩ, New Zealand và Áo. Đây là năm đầu tiên Luxembourg lọt vào tốp 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Một trong các tác giả của báo cáo John Helliwell cho biết các quốc gia hạnh phúc nhất là những nơi mà người dân cảm thấy thực sự thân thuộc, họ tin tưởng và vui vẻ với nhau cũng như với các cơ quan công quyền.
Hầu hết những quốc gia xếp cuối báo cáo của Liên hợp quốc đều đang chịu cảnh xung đột bạo lực hoặc nghèo khó như Zimbabwe, Nam Sudan và Afghanistan.
Phần Lan, quốc gia có 5,5 triệu dân, thường được biết đến với phong cảnh trầm lắng của những cánh rừng rộng lớn và hàng nghìn hồ lớn nhỏ trên cả nước.
Trong quá khứ, tỷ lệ nghiện rượu và tự tử tại quốc gia này ở mức cao, mà yếu tố mùa Đông giá lạnh và tối tăm kéo dài được cho là tác nhân chính.
Nhưng những năm gần đây, sau khi chính phủ triển khai một chương trình thúc đẩy sức khỏe cộng đồng kéo dài một thập kỷ, tỷ lệ này đã giảm hơn một nửa.
Theo những đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc, công dân Phần Lan được hưởng chất lượng sống cao, các dịch vụ an ninh và công cộng tốt, tỷ lệ bất bình đẳng thuộc nhóm thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Dữ liệu được dùng trong bản báo cáo năm nay được thu thập trong các năm 2018 và 2019 và trước khi các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trên diện rộng được ban hành ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo dự đoán các điều kiện phong tỏa đang được áp dụng tại nhiều quốc gia, ngược lại, sẽ giúp gia tăng mức độ hạnh phúc của người dân trong tương lai.
Một trong những cách lý giải phổ biến nhất là bởi thời điểm dịch bệnh khó khăn cũng là lúc người dân sống chậm lại, cảm nhận được sự nhiệt thành giúp đỡ từ những người hàng xóm hay từ những nhân viên công quyền, là lúc họ cảm nhận được sự tương hỗ cộng đồng.
Tại nhiều quốc gia châu Âu, người dân ở những vùng phong tỏa đã cùng nhau ra ban công, để hát cổ vũ, để dành những tràng pháo tay như lời tri ân tới những nhân viên y tế đang ngày đêm nỗ lực chăm sóc cho người bệnh trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh, các kế hoạch cộng đồng cũng được triển khai nhanh chóng để giúp phân phối nhu yếu phẩm cần thiết cho những người đang được cách ly.
Các tác giả của báo cáo lưu ý vấn đề mấu chốt là phải duy trì được sự kết nối xã hội chặt chẽ để đẩy lùi tâm lý sợ hãi, thất vọng và giận dữ thường xuất hiện trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo TTXVN