Bình luận này được đưa ra sau khi có tin Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã từ chối nhận cuộc gọi điện thoại từ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9 vừa qua.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ông Le Drian nhận định các sáng kiến nhằm làm giảm nguy cơ xung đột tại Trung Đông "hiện vẫn chưa thành công". Ông kêu gọi cả hai bên Iran và Mỹ cần hành động trước ngày 6/11, thời hạn Chính phủ Iran có khả năng tiếp tục từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc. Ông Le Drian nhấn mạnh Iran và Mỹ sẽ phải nắm bắt thời gian tương đối ngắn ngủi này, vì Tehan đã công bố các bước mới để giảm tuân thủ thỏa thuận và tình hình có nguy cơ dẫn đến căng thẳng mới.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani ngày 2/10 chỉ trích người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã làm thất bại những nỗ lực của Pháp nhằm khởi xướng một cuộc điện đàm mang tính lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo này hồi tuần trước.
Theo hãng tin AFP, phát biểu tại cuộc họp nội các Iran, đề cập các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Rouhani khẳng định Iran sẵn sàng "tiến hành các cuộc đàm phán có kết quả" với Mỹ. Tuy nhiên, ông cho biết trong khi các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ đã 2 lần trong vòng 24 giờ "tuyên bố rõ ràng việc gia tăng các lệnh trừng phạt Iran".
Tổng thống Iran nhấn mạnh "nếu có ai đó tìm cách ngăn cản tiếp xúc thì đó chính là Nhà Trắng".
Một nguồn tin ngoại giao Pháp ngày 1/10 cho biết ông Trump đã gọi điện thoại cho ông Rouhani hôm 24/9 vừa qua bên lề kỳ họp lần thứ 74 ĐHĐ LHQ nhưng Tổng thống Iran đã từ chối nhận cuộc gọi. Cuộc gọi được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiến hành những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa Tehran và Washington nhằm tổ chức một cuộc gặp lịch sử với hy vọng giảm nguy cơ xung đột tại Trung Đông.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc) và Đức, đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran.
Đáp trả, Iran bắt đầu giảm tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, theo đó vượt các giới hạn về hạt nhân. Căng thẳng có nguy cơ lên đỉnh điểm sau khi các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công hôm 14/9 vừa qua, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới.
Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này. Tehran đã bác bỏ cáo buộc, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công quân sự. Hiện nhiều nước phương Tây trông đợi Washington và Tehran đàm phán để tháo gỡ những vấn đề hiện nay.
Theo Báo Tin Tức