Phát hiện băng trên bề mặt Mặt trăng

21/08/2018 - 19:44

Những mảng băng nằm rải rác ở cực bắc và nam của Mặt trăng có thể trở thành nguồn nước cho con người khi đến đây.

Tờ The Guardian ngày 21-8 đưa tin các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra nhiều khu vực có những mảng băng trên Mặt trăng nhờ thiết bị đo hồng ngoại lập bản đồ khoáng chất gắn trên một vệ tinh của Ấn Độ.

Ảnh chụp cực bắc của Mặt trăng NASA

Vệ tinh này mang tên Chandrayaan-1 được phóng lên vào tháng 10.2008 và bay quanh quỹ đạo của Mặt trăng trong gần 1 thập niên qua.

Dữ liệu vừa được phân tích cho thấy băng xuất hiện trên bề mặt tại nhiều điểm gần 2 cực, mang tính ổn định và không bị tan chảy dưới sức nóng của Mặt trời.

Phần lớn nằm ở cực nam quanh các hố được các nhà khoa học trước đó đặt tên là Haworth, Shoemaker, Sverdrup và Shackleton, trong khi các mảng băng tại cực bắc phân tán hơn.

Đi sâu vào phân tích, các nhà khoa học nhận định rằng những mảng băng có xu hướng hình thành tại những khu vực có nhiệt độ luôn nằm dưới ngưỡng -163oC. Tuy nhiên, chỉ 3,5% các khu vực có nhiệt độ thấp này có dấu hiệu của băng.

Phát hiện băng trên bề mặt Mặt trăng - ảnh 1

Các mảng màu xanh thể hiện băng xuất hiện trên Mặt trăng PNAS

Theo chuyên san Proceedings of the National Academy of Science, đây là những hình ảnh cung cấp chứng cứ “trực tiếp và chắc chắn” về việc băng tuyết xuất hiện trên Mặt trăng.

Trước đó, cũng chính tàu Chandrayaan-1 phát hiện dấu hiệu của băng ở đây vào năm 2009. Tuy nhiên, khi đó không phải là những mảng băng trên bề mặt mà là những phân tử nước bám vào cát bụi.

Sau đó, NASA cho một tàu không gian lao xuống gần vết nứt Cabeus rộng 100 km gần cực nam Mặt trăng, nơi luôn nằm trong bóng tối. Vụ đâm cố ý đã làm văng lên những mảnh vỡ cho thấy dấu hiệu của nước.

Theo KHÁNH AN (Thanh Niên)