Phát hiện cần sa trong ngôi mộ 2.500 năm tuổi ở Trung Quốc

14/06/2019 - 09:00

Cần sa được sử dụng làm cây trồng từ hàng thiên niên kỷ qua, nhưng không rõ khi nào thì người cổ xưa bắt đầu sử dụng cần sa như người hiện đại ngày nay.

Người cổ xưa đã biết đốt cần sa trong các lễ an táng.

Theo CNN, cuộc khảo cổ tìm hiểu ngôi mộ 2.500 năm tuổi ở Trung Quốc phần nào đã lý giải thắc mắc trên. Đây được coi là khoảng thời gian sớm nhất mà con người cổ xưa biết sử dụng cần sa.

Các nhà khoa học Trung Quốc và Đức phân tích mẫu gỗ và đá bên trong ngôi mộ. Kết quả cho thấy có một lượng lớn dấu hiệu hóa học của chất THC trong cần sa.

Tác giả nghiên cứu nói cần sa có thể được người cổ xưa sử dụng trong hoạt động an táng, có lẽ như một cách để kết nối với người chết.

Tuy vậy, người xưa chắc hẳn không đốt cần sa như người hiện đại mà làm cách thủ công hơn để tạo ra khói. Nicole Boivin, giám đốc Viện Nghiên cứu Max Planck về lịch sử khoa học loài người, nói cần sa được đốt cháy bằng than.

Dấu vết ngôi mộ cổ xưa ở phía tây Trung Quốc.

Ngôi mộ này được tìm thấy ở khu an táng Jirzankal, thuộc khu vực vùng núi Pamir, giáp biên giới Ấn Độ và Pakistan.

Theo nhóm nghiên cứu, cây cần sa đã xuất hiện ở Đông Á từ cách đây 4000 năm trước Công Nguyên. Nhưng cây cần sa thời kỳ đầu mọc như cây dại, với hàm lượng THC ở mức thấp.

Mãi đến hàng ngàn năm sau, người cổ xưa ở châu Á mới biết sử dụng cần sa bằng cách đốt cháy. Theo nhóm nghiên cứu, cần sa được người xưa trồng ở vùng núi vì nơi này cho ra hàm lượng THC lớn nhất.

Nó cũng là sản phẩm được mua bán trong thời kỳ Con đường Tơ lụa ở Trung Quốc.

Theo ĐĂNG NGUYỄN (Dân Việt)