Phát hiện đặc điểm khí quyển độc đáo của hành tinh 'siêu phồng' WASP-107b

16/11/2023 - 14:14

Các nhà khoa học cho biết hành tinh “siêu phồng” WASP-107b mới được phát hiện mang những đặc điểm khí quyển độc đáo. Hành tinh này có những đám mây tạo thành từ cát, thay vì nước.

Ảnh minh hoạ: CCO

Theo đài Sputnik (Nga), hành tinh WASP-107b cách Trái Đất 212 năm ánh sáng, nhỏ hơn và nhẹ hơn Sao Mộc, với khối lượng riêng bằng Sao Hải Vương. Hành tinh này quay quanh rất gần ngôi sao chủ - hoàn thành quỹ đạo chỉ trong 5,7 ngày Trái Đất với bầu khí quyển bị nung nóng tới 482 độ C bởi sức nóng của ngôi sao này.

Với những đặc điểm độc đáo đó, WASP-107b được mô tả là hành tinh “siêu phồng” hay hành tinh “kẹo bông”. Vào thời điểm phát hiện ra hành tinh này hồi năm 2017, các phương pháp phân tích chỉ giới hạn ở việc nhận biết các đám mây trên cùng của hành tinh. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học đã hướng Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) mới vào WASP-107b, đây là kính viễn vọng mạnh nhất mà con người từng chế tạo và thực hiện một số khám phá đáng kinh ngạc.

Ông Leen Decin – Giám đốc Viện Thiên văn học tại KU Leuven ở Bỉ, một trong những tác giả chính của nghiên cứu – giải thích đây là một hành tinh rất mềm mại. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có thể khám phá rất sâu bầu khí quyển của hành tinh này.

Các nhà khoa học từng dự đoán sẽ tìm thấy nhiều loại khí như metan, vốn tồn tại ở các hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt Trời, nhưng thay vào đó họ lại tìm thấy các hợp chất như sulfur dioxide và silicat - tức là cát trên hành tinh này.

Loại cát này mịn hơn nhiều so với loại cát được tìm thấy trên các bãi biển ở Trái Đất. Giống như cách nước hình thành trên Trái Đất, loại cát này ngưng tụ thành mây, tạo mưa cát rơi xuống bầu khí quyển thấp hơn, sau đó lại nổi lên tạo thành những đám mây mới.

“Chúng tôi chắc chắn rằng những đám mây cát này có thể hình thành. Việc khám phá ra các đám mây cát, nước và sulfur dioxide ở hành tinh mềm mại này là một cột mốc quan trọng. Khám phá mới định hình lại sự hiểu biết của loài người về quá trình hình thành và tiến hóa của một hành tinh mới, làm sáng tỏ thêm về Hệ Mặt Trời của chúng ta”, ông Decin nói.

Theo Tiến sĩ Michiel Min – nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ SRON Hà Lan và là tác giả chính của nghiên cứu – việc chúng ta nhìn thấy những đám mây cát này bay cao trong bầu khí quyển có nghĩa là những giọt mưa cát bay hơi ở sâu hơn, các lớp rất nóng và hơi silicat tạo thành được di chuyển ngược lên trên một cách hiệu quả, ngưng tụ lại để tạo thành các đám mây silicat một lần nữa.

“Điều này rất giống với chu trình của hơi nước và mây trên Trái Đất của chúng ta, nhưng chúng là những giọt cát”, ông Michiel nói.

Theo TTXVN