Nhóm khoa học gia làm việc tại Đài thiên văn W.M. Keck đặt trên núi lửa Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ), những người phát hiện ra đám mây, ví nó như một "viên nang thời gian" hoặc một dạng hóa thạch vũ trụ từ thời xảy ra vụ nổ Big Bang.
Hình ảnh đã qua xử lý giúp chúng ta quan sát rõ cấu trúc đặc biệt của đám mây - ảnh: TNG Collaboration
Hình ảnh được công bố cho thấy đám mây bao gồm các luồng khí xanh khổng lồ xoáy quanh các thiên hà màu cam đang trong giai đoạn hình thành. Khí xanh của đám mây ẩn giấu các túi hydro nguyên sơ, không bị "ô nhiễm" bởi các nguyên tố nặng vốn từ các ngôi sao nổ tung mà các đám mây vũ trụ khác đều có. Nó không có bất kỳ nguyên tố nào nặng hơn hydro, nguyên tố được biết đến là nhẹ nhất vũ trụ và là thứ đầu tiên thấm vào vũ trụ sơ khai sau vụ nổ Big Bang.
Theo tiến sĩ Fred Robert, đến từ Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), người dẫn đầu nghiên cứu cho biết đây là vật thể nguyên thủy thứ ba mà các nhà thiên văn học tìm được. Các đám mây này là những "viên nang thời gian" thực sự, lưu giữ những khoảnh khắc hiếm hoi từ phút đầu tiên của vũ trụ, trước khi các nguyên tử hydro và heli cổ đại tạo ra các ngôi sao đầu tiên và sau đó là sự xuất hiện của các nguyên tố khác trong bảng tuần hoàn. Vì vậy, nó là một kho báu để các nhà khoa học tìm hiểu về vũ trụ sơ khai.
Thời hậu Big Bang, những đám mây mang tính chất như vật thể mang mã số LLS1723 này rất nhiều nhưng chúng đều tiến hóa và ngày này đã trở nên rất khác biệt. Có thể nói, đám mây này là một "hóa thạch", như đã du hành thời gian hàng tỉ năm đến thế giới hiện tại, mang theo những tính chất của một loài "cổ sinh vật" nguyên thủy.
Theo bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn đang tiếp tục cuộc thám hiểm sâu vào đám mây kỳ lạ này. Họ hy vọng có thể tìm thấy những vật thể cổ xưa như các tinh vân "đầu lâu la hét" hay những thiên hà ăn thịt đang cố nuốt gọn đồng loại.
Theo A.THƯ (Người Lao Động)