Vết tích của ánh sáng từ ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ vừa được phát hiện. - Ảnh: CSIRO
Phát hiện lịch sử này được công bố trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature ngày 28-2, theo đài CNN (Mỹ).
"Đây là lần đầu tiên con người bắt được một tín hiệu từ giai đoạn sớm như thế này của vũ trụ, nếu không tính đến vụ nổ Big Bang," CNN dẫn lời ông Judd Bowman, nhà thiên văn học đến từ Đại học bang Arizona (Mỹ) đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu.
Vụ nổ Big Bang là lý thuyết khoa học về sự hình thành vũ trụ được chấp nhận rộng rãi nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo các nhà khoa học, theo sau Big Bang - ước tính xảy ra cách đây xấp xỉ 13.8 tỷ năm - là thời kỳ vũ trụ hoàn toàn chìm trong bóng tối kéo dài khoảng 180 triệu năm.
Sau giai đoạn giãn nở nhanh chóng ban đầu, các vật chất plasma từ vụ nổ Big Bang bắt đầu nguội đi và tạo thành các nguyên tử hydro trung hòa về điện.
Những nguyên tử này dần dần được kéo lại với nhau bởi lực hấp dẫn và phát nổ để cho ra đời những ngôi sao đầu tiên, nhóm nghiên cứu lý giải.
Phát hiện lần này là bước tiến xa nhất mà con người từng đạt được trong việc ghi nhận khoảnh khắc "bình minh của vũ trụ" đó, theo lời ông Keith Bannister, nhà thiên văn học thuộc Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thịnh vượng chung (CSIRO) (Úc).
"Những gì chúng tôi nhìn thấy không phải là bản thân các ngôi sao đó, mà là ảnh hưởng mà chúng để lại đối với tầng khí xung quanh" - ông Bannister giải thích với CNN.
Công trình nghiên cứu kéo dài 12 năm được thực hiện thành công nhờ kính viễn vọng vô tuyến đặt tại Trạm quan sát thiên văn Murchison ở miền tây nước Úc do CSIRO quản lý.
Khu vực này không bị "ô nhiễm" sóng radio từ thiết bị vô tuyến của con người, nhờ đó các nhà khoa học có thể bắt được các vết tích phóng xạ còn sót lại từ các ngôi sao đầu tiên.
"Đây chỉ là sự khởi đầu của một hành trình rất dài. Vẫn còn rất nhiều giai đoạn khác nhau của vũ trụ mà chúng ta chưa thể vươn tới bằng các kính thiên văn hiện tại" - ông Bannister cho biết.
Theo TUẤN SƠN (Tuổi Trẻ)