Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng khảo cổ cho thấy một loài người cổ đại đã an táng người đã khuất, khắc ký hiệu lên tường hang nhiều ngàn năm trước khi người hiện đại bắt đầu tục chôn cất.
Các nhà khoa học đặt cho loài người cổ đại pháp danh Homo naledi. Theo khảo sát hộp sọ, các chuyên gia nhận định não bộ của Homo naledi chỉ bằng một phần ba não người hiện đại. Phát hiện mới có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận quá trình tiến hóa của con người, bởi lẽ những hành vi nêu trên (khắc ký hiệu, an táng) thường được liên kết với những giống linh trưởng có não bộ lớn như Homo sapien và Neanderthal.
Các dữ liệu trên được trích dẫn từ tất cả ba bài nghiên cứu, đều đã được xuất bản trên tạp chí eLife.
Từ khung xương, các nhà nghiên cứu tái dựng khuôn mặt cá thể Homo naledi bằng máy tính.
Số hóa thạch của cá thể Homo naledi lần đầu tiên được phát hiện tại quần thể hang động Rising Star tại Nam Phi, trong một cuộc khai quật năm 2013. Quần thể hang động nêu trên là một phần của Cái nôi Nhân loại - khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, và đây cũng là nơi các nhà khảo cổ học phát hiện ra nhiều những tổ tiên của con người hiện đại.
Cùng đội ngũ “phi hành gia lòng đất”, giáo sư Lee Berger - nhà cổ nhân loại học và nhà thám hiểm làm việc cho National Geographic đã làm việc cật lực trong môi trường hang động nguy hiểm để khám phá nguồn cội con người. Nỗ lực đem lại trái ngọt, khi nhóm thám hiểm tìm thấy hài cốt của cá thể Homo naledi thuộc nhiều độ tuổi, với xương được đặt một cách cẩn thận trong một huyệt nông phủ đất. Những khu vực chôn cất này cổ hơn tới ít nhất 100.000 năm so với phần mộ cổ xưa nhất của người Homo sapien.
Trong khi khai quật những điểm chôn cất, các nhà khoa học tìm thấy một loạt các ký hiệu được khắc trên tường hang. Khảo sát ban đầu cho thấy những hình vẽ có niên đại từ 241.000 cho tới 335.000 nghìn năm tuổi, tuy nhiên con số có thể thay đổi khi dữ liệu được phân tích sâu hơn.
Những ký hiệu trên tường là những đường thẳng đan vào nhau tương tự ký hiệu hashtag (#) và một số hình cơ bản. Giới khảo cổ cũng đã tìm thấy những hình thù nguệch ngoạc tương tự trong hang người Homo sapien và Neanderthal, tuy nhiên chúng chỉ có niên đại lần lượt là 80.000 và 60.000 năm tuổi. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán các hình vẽ này đều phục vụ những mục đích tương tự, là lưu giữ và chia sẻ thông tin.
Khu vực khảo cổ chật chội
Hoạt động khám phá và khai quật trong quần thể hang Rising Star không dành cho người yếu bóng vía. Cho tới giờ, đội ngũ thám hiểm đã vẽ bản đồ được 4 km hang, vốn sâu tới 100 m và dài hơn 200 m. Chưa hết. Trong hang là những dốc cao ít chỗ bám và những khe hẹp khó chui vừa. Có những khe chỉ hẹp 25 cm, và giáo sư Lee Berger kể rằng mình đã phải giảm 25 kg để có thể tiếp tục đam mê khám phá.
“Đây là trải nghiệm tệ hại và thú vị nhất đời tôi”, giáo sư kể. “Tôi đã suýt mất mạng khi khám phá, nhưng nỗ lực được đền đáp khi có được những phát hiện mới. Nhưng tôi nghĩ điểm quan trọng ở đây, là hành trình vào hang không khó với người Homo naledi đâu”.
Giống người cổ đại có thể đứng thẳng giống chúng ta và có đôi bàn tay thao túng được công cụ, tuy nhiên Homo naledi có đầu nhỏ hơn, lưng gù hơn, mảnh mai hơn và chắc chắn khỏe mạnh hơn chúng ta. Dựa trên cấu trúc xương hóa thạch, có thể thấy vai của Homo naledi thích hợp cho việc leo trèo.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy rất nhiều hóa thạch Homo naledi xuyên suốt hang động, bao gồm cả cá thể sơ sinh và trưởng thành. Càng đi sâu vào hàng, nhóm các nhà khảo cổ càng thấy rõ Homo naledi đã di chuyển trong hệ thống thang hiểm trở một cách dễ dàng.
Năm 2015, khi chúng ta lần đầu tiên phát hiện ra Homo naledi từng tồn tại trên Trái Đất, ý tưởng cho rằng giống người cổ đại biết an táng cá thể cùng bầy gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng não của Homo naledi quá nhỏ để có thể thực hiện hành vi đòi hỏi những dòng suy nghĩ phức tạp.
Xương của Homo naledi.
Những phát hiện sau này đã chứng minh rằng Homo naledi đã từng có một cuộc sống có bản sắc văn hóa. “Đây không phải một thi thể bỏ mạng trong một cái hố. Đây là cả một cơ thể được phủ đất và mục rữa tại nơi an táng, điều đó cho thấy hài cốt được chôn một cách nguyên vẹn, chứ không phải cá thể nào đã gặp tai nạn nơi đây”, giáo sư Berger nhận xét.
Và rồi, nhóm nghiên cứu tìm thấy di vật trong phần mộ Homo naledi và cả những hình khắc trên tường hang.
Những hình vẽ cổ đại
Trong một phần mộ, các nhà khoa học tìm thấy một hòn đá được mài vẹt đi để trở thành công cụ, được đặt bên cạnh một cá thể Homo naledi trưởng thành. Trên trần hang và tường hang quanh nơi an nghỉ của sinh vật cổ đại, những hình khắc đa dạng hình thù xuất hiện khắp nơi.
Hình chạm khắc trong hang tối.
Theo lời giáo sư Berger, tường hang cứng bằng một nửa kim cương (vật liệu rắn chắc nhất theo thang đo độ cứng Mohs), nên hành vi chạm khắc đã tiêu tốn rất nhiều thời gian của nhóm sinh vật linh trưởng cổ xưa.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, các dấu vết chỉ ra rằng Homo sapien chưa từng vào hang và những hình khắc này thuộc về nhóm Homo naledi cổ đại. Dấu vết của lửa - như muội, than, xương cháy - xuất hiện đó đây, cho thấy tại sao Homo naledi nhìn được đường di chuyển và làm việc trong môi trường tăm tối.
Không thể lý giải ý nghĩa của các vết khắc, bên cạnh đó các nhà nghiên cứu cũng không thể khẳng định liệu đây có phải một loại hình ngôn ngữ của Homo naledi. Họ chỉ có thể khẳng định những hình hài này có ý nghĩa gì đó, khi những cá thể Homo naledi cổ đại đã mất rất nhiều thời gian và công sức, liều cả mạng sống để khắc nên những hình thù lạ lùng.
Những hình vẽ vô nghĩa trong con mắt người hiện đại.
Chỉ vài thập kỷ trước, chúng ta cho rằng chỉ những giống thông minh, như Homo sapien, Neanderthal hay Denisovan mới đủ trí lực để chôn cất người đã khuất. Khám phá mới cho hay trước khi chúng ta phát minh ra mộ phần khoảng 100.000 năm, đã có giống người tiền sử biết đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng.
Theo lời Agustín Fuentes, một nhà thám hiểm khác làm việc cho National Geographic và cũng là tác giả của một nghiên cứu khác liên quan tới Homo naledi, thì phát hiện này cho thấy chúng ta sẽ phải nhìn lại lịch sử của lửa, của việc sinh ra khái niệm và cả hành vi chôn cất người đã khuất. Khám phá mở ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, nhưng khi còn câu hỏi chưa lời giải đáp, hành động khám phá sẽ còn có ý nghĩa.
Khám phá mới sẽ xuất hiện trong bộ phim tài liệu Unknown: Cave of Bones sẽ được trình chiếu trên Netflix vào giữa tháng Bảy tới, bên cạnh đó giáo sư Berger sẽ xuất bản cuốn sách nói về Homo naledi cũng như ảnh hưởng của giống người cổ đại tới lịch sử loài người.
Theo Tổ quốc