Các nhà khoa học đã phát hiện ra hồ nước có kích thước rất lớn, bằng một thành phố ẩn sâu bên dưới lớp băng Nam cực. Nó mở ra những bí mật về lịch sử 34 triệu năm của lớp băng này.
Hồ nước lớn cỡ một thành phố bên dưới lớp băng Nam Cực
Hồ bí ẩn có đặt tên là Hồ Snow Eagle nằm trong một hẻm núi sâu hàng km dưới lớp băng dày ở vùng cao nguyên của Princess Elizabeth Land. Hồ có diện tích bề mặt là 370 km2, là một trong những hồ dưới băng lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia vùng cực đã phát hiện ra hồ nước lạ sau 3 năm khảo sát trên không, họ sử dụng radar và các cảm biến đặc biệt đo những thay đổi nhỏ trong trọng trường của Trái Đất và từ trường. Vì hồ nước bị chôn vùi cách rìa tảng băng vài trăm km, các nhà khoa học tin rằng nó chứa các trầm tích sông 34 triệu năm tuổi.
Don Blankenship, tác giả nghiên cứu cho biết: "Hồ nước ghi lại toàn bộ lịch sử của dải băng Đông Nam Cực, sự khởi đầu hơn 34 triệu năm trước, cũng như sự phát triển và tăng trưởng qua các chu kỳ băng hà kể từ đó".
Phát hiện này rất quan trọng, giúp các nhà khoa học khám phá ra một kho tàng thông tin về Nam Cực trước khi nó bị đóng băng.
Các nhà khoa học đã tìm ra manh mối đầu tiên về sự tồn tại của hồ nước sau khi phát hiện một vết lõm trong các bức ảnh vệ tinh chụp tảng băng. "Tôi thực sự đã giật mình khi lần đầu tiên nhìn thấy sự phản xạ radar sáng chói đó", Shuai Yan, nghiên cứu sinh tại Viện vật lý địa cầu ở Austin, người lập kế hoạch bay cho cuộc điều tra hồ nước cho biết.
Các nhà khoa học đo đạc tỉ mỉ chi tiết hóa hình học bên dưới của tảng băng, để lộ ra một hồ nước bị chôn vùi dài 48 km, rộng 14,5 km và sâu 198 mét. Hồ chứa khoảng 21km khối nước và hầu hết là một lượng lõi trầm tích cổ.
"Hồ này đã tích tụ trầm tích trong một thời gian rất dài, có khả năng đưa chúng ta đi qua thời kỳ Nam Cực hoàn toàn không có băng, cho đến khi nó rơi vào tình trạng đóng băng sâu. Chúng tôi chưa từng có ghi chép nào về tất cả những sự kiện này", Martin Siegert, đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết.
Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là tìm cách đi đến lớp trầm tích. Tuy nhiên, do lớp trầm tích bị 'khoá chặt' trong lớp băng dày hàng km ở vùng lạnh nhất trên Trái Đất nên việc đó sẽ rất khó khăn.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất lắp đặt một trạm địa cực trên lớp băng giúp các nhà khoa học có không gian hoạt động rồi khoan vào lớp dày để lấy trầm tích. Những gì bị mắc kẹt bên trong giúp các nhà khoa học hiểu thêm về biến đổi khí hậu xảy ra như thế nào để tạo ra các tảng băng như bây giờ.
Theo HOÀNG DUNG (Infonet)