Ảnh: knowridge.com
Loài nhện hóa thạch mới được đặt tên là Megamonodontium Mccluskyi nhằm vinh danh những đóng góp của Tiến sĩ cổ sinh vật học Matthew McCurry tại Đại học New South Wales (UNSW), người đã phát hiện ra mẫu vật. Hóa thạch được tìm thấy tại khu vực khai quật McGraths Flat ở trung tâm bang New South Wales (Australia) - địa điểm nổi tiếng với nhiều hóa thạch độc đáo của nhiều loài động vật và thực vật khác nhau có từ kỷ Miocen (từ 23 triệu đến 5 triệu năm trước). Phát hiện được công bố trên Tạp chí Động vật học của Hiệp hội Linnean do Nhà xuất bản Đại học Oxford (Anh) phát hành gần đây.
Các nhà khoa học cho biết hóa thạch nhện mới có hình dáng tương tự như các loài thuộc chi Monodontium (“nhện cửa sập”) hiện nay, nhưng có kích thước lớn gấp 5 lần so với các loài thuộc chi này.
Tiến sĩ McCurry cho rằng phát hiện mới này rất có ý nghĩa về mặt khoa học vì từ trước đến nay mới chỉ có 4 hóa thạch nhện được tìm thấy trên khắp lục địa Australia, khiến các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài này. Hóa thạch trên tiết lộ thông tin mới về quá trình tuyệt chủng của các loài nhện và bù lấp khoảng trống kiến thức về quá trình lịch sử của châu Đại dương.
Theo Tiến sĩ McCurry, họ hàng gần nhất của hóa thạch này hiện sống trong các khu rừng rậm ẩm ướt trải dài từ Singapore cho đến Papua New Guinea. Điều này cho thấy các loài này từng sinh trưởng trong một môi trường tương tự ở lục địa Australia nhưng sau đó đã tuyệt chủng khi quốc gia châu Đại dương này trở nên khô cằn hơn.
Tiến sĩ Robert Raven, nhà nghiên cứu về nhện thuộc Bảo tàng Queensland, tác giả giám sát nghiên cứu, cho biết đây không chỉ là hóa thạch nhện lớn nhất từng được tìm thấy ở Australia mà còn là hóa thạch đầu tiên thuộc họ Barychelidae được tìm thấy trên thế giới.
Phó Giáo sư Michael Frese tại Đại học Canberra, người đã sử dụng kỹ thuật chụp chồng vi ảnh để quét các mẫu vật, cho biết hóa thạch nhện tìm được ở McGraths Flat cho thấy “các chi tiết được bảo quản ở mức độ đáng kinh ngạc”. Ông mô tả: "Bằng việc quét bằng kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu các chi tiết nhỏ trên móng vuốt và những sợi lông cứng trên bàn chân, cẳng chân và phần thân chính của nhện. Những sợi lông cứng của nhện có cấu trúc giống như lông nhưng có thể có nhiều chức năng khác. Các sợi lông này có thể giúp nhện cảm nhận được hóa chất và rung động, bảo vệ nhện chống lại những kẻ tấn công và thậm chí phát ra âm thanh".
Hóa thạch mới được lưu giữ trong bộ sưu tập cổ sinh vật học tại Bảo tàng Australia (AM) ở thành phố Sydney và được cung cấp dưới dạng dữ liệu trực tuyến để phục vụ nghiên cứu.
Theo LÊ ĐẠT (TTXVN)