Các nhà nghiên cứu của dự án nghiên cứu ngoài khơi sông băng Thwaites của vịnh Pine đã phát hiện ra hòn đảo này vào đầu tuần khi đi thuyền dọc bờ biển của thềm băng. Hòn đảo nhỏ chỉ dài khoảng 1.150 feet (350 mét) và chủ yếu được bao phủ trong băng, nhưng nổi lên trên biển với một lớp đá nâu khác biệt với các sông băng và tảng băng trôi xung quanh.
Lớp đá nâu nằm dưới băng, nổi lên trên mặt biển khiến đảo Sif khác với những tảng băng trôi.
Sau khi đặt chân lên đảo trong thời gian ngắn ngủi, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng hòn đảo được cấu tạo bằng đá granit của núi lửa, và thậm chí còn lưu giữ một vài dấu vết của cư dân. Họ lấy một số mẫu vật từ hòn đảo với hy vọng có được hình ảnh rõ ràng hơn về cách lục địa băng đang thay đổi.
Các nhà thám hiểm đang khám phá hòn đảo mới.
Các nhà nghiên cứu dự kiến đặt tên cho hòn đảo vừa khám phá là Sif, theo tên một nữ thần Bắc Âu gắn liền với trái đất.
“Thật thú vị khi chúng tôi bất ngờ phát hiện ra hòn đảo này. Đây là tác động trực tiếp điển hình của sự tan băng ở Nam Cực trong thập kỷ qua”, Sarah Slack, một thành viên của đoàn thám hiểm đã viết.
Hòn đảo đủ lớn để vệ tinh phát hiện từ không gian, nhưng nó chưa từng được nhìn thấy trước đây do được giấu dưới lớp băng dày, và chỉ được tiết lộ một phần sau khi băng tan.
Sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Google Earth, thành viên khác của đoàn thám hiểm là Peter Neff đã tạo ra một mô hình vượt thời gian cho thấy mức độ rút lui ổn định của thềm băng kể từ năm 2011 khiến đảo Sif tách ra và đơn độc giữa vịnh Pine. Từ trên cao, khối băng trông giống như một tảng băng khác. Bây giờ, nó đã được xác định là một hòn đảo, và nghiên cứu sâu hơn về đảo Sif có thể tiết lộ cơ sở đá ngầm của khu vực, từ đó các nhà khoa học sẽ có kế hoạch tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy đảo Sif là khối trắng lớn ở phía dưới.
Lindsay Prothro, một nhà địa chất băng tại Đại học Texas A & M-Corpus Christi, người không tham gia vào cuộc thám hiểm, nhận định rằng, có khả năng hòn đảo nổi lên do quá trình phục hồi của băng. Khi sông băng tan chảy, nó làm giảm áp lực lên lục địa bên dưới; để đáp lại, lục địa có thể "hồi phục", hoặc nhô lên cao hơn so với trước đây. Không rõ liệu sự phục hồi sẽ đẩy nhanh hay làm chậm tốc độ các tảng băng bị phá vỡ. Hy vọng nghiên cứu sâu hơn về đảo Sif có thể cung cấp một số manh mối.
Cuộc thám hiểm của nhóm sẽ kết thúc vào ngày 25-3. Sau đó, các nhà khoa học mới có thể phân tích đầy đủ về các mẫu đá của đảo Sif. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tiết lộ nhiều hơn về thành phần của hòn đảo và cách nó được phát hiện.
Nhóm các nhà thám hiểm là những người đầu tiên phát hiện ra hòn đảo này.