Theo Sci-New, nhóm khoa học gia đẫn đầu bởi giáo sư Jose Iriate của Trường ĐH Exeter (Anh) đã sử dụng LiDAR, một kỹ thuật thám sát bằng tia laser, phát hiện được một đô thị vĩ đại giữa rừng Amazon, khu vực thuộc Llanos de Mojos - Bolivia ngày nay.
Đó là một đô thị lớn thuộc nền văn hóa Casarabe, phát triển mạnh ở khu vực này trong khoảng năm 500 đến 1400 sau Công Nguyên.
Một trong những cụm cấu trúc nghi lễ hiện ra giữa đô thị Amazonia ma quái. (Ảnh: NATURE)
"Từ lâu, chúng tôi đã nghi ngờ rằng các xã hội tiền Columbia phức tạp nhất đã phát triển ở khu vực này của rừng Amazon thuộc Bolivia nhưng bằng chứng trực tiếp bị che giấu dưới tán rừng và khó tiếp cận trực tiếp", Sci-News dẫn lời giáo sư Iriate.
Công cụ viễn thám hiện đại LiDAR đã giúp họ xác định được hàng loạt cấu trúc phức tạp chưa từng có, không giống bất kỳ loại công trình nào được phát hiện trước đây, bao gồm nhiều nhà cửa, đền đài, các bậc thang và đặc biệt là các kim tự tháp hình nón cao 222 m mọc sừng sững giữa đô thị.
Theo bài công bố trên Nature, trước đây, loại di tích mật độ thấp cùng thời đã được báo cáo là tồn tại bên dưới các khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á, Sri Lanka và vài khu vực ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng trực tiếp nào về vùng Amazon thuộc Bolivia.
Khu di tích mới hiện ra giữa một thảm rừng hoang mạc, gồm kiến trúc nghi lễ công cộng bao gồm các bệ, bậc hoành tráng, trên đỉnh là các cấu trúc hình chữ U; các gò, bệ hình chữ nhật; các kim tự tháp hình nón...
Các khu định cư lớn bao quanh khu nghi lễ thành một hình đa giác đồng tâm. Điểm gây chú ý nhất là toàn bộ đô thị có một cơ sở hạ tầng quản lý nước khổng lồ, bao gồm các kênh và hồ chứa quy mô, được xây dựng trên một nền đất thoát nước tốt và cực kỳ thuận lợi cho nống nghiệp.
Các hình ảnh viễn thám đã hé lộ tổng cộng 189 di tích lớn (đền đài, công trình công cộng), 273 cấu trúc nhỏ hơn, 957 km kênh đào và đường đê... cho thấy đây không phải là một khu nghi lễ hoang vắng mà là nơi sinh sống quanh năm của người dân, trải rộng trên diện tích 4.500 km2.
Từ lâu, các nền văn minh ở Trung và Nam Mỹ đã gây ngạc nhiên cho giới khảo cổ bởi trình độ xây dựng và cơ sở hạ tầng ứng dụng nhiều công nghệ mà lẽ ra nhiều thế kỷ sau mới xuất hiện. Trong đó, nổi bật là các hệ thống phân phối, lọc và thu gom nước, giúp người dân của các đô thị cổ xưa này có được cuộc sống tiện nghi và dễ dàng phát triển nông nghiệp.
Theo Người Lao Động)