Một loài cóc bí ngô mới được phát hiện ở Brazil.
Loài lưỡng cư này mang tên Brachycephalus rotenbergae, thuộc họ hàng với ít nhất 36 loài cóc bí ngô, được đặt tên theo loại bí phổ biến trong lễ Halloween. Giống loài ếch tiết ra nọc độc, màu sắc rực rỡ của cóc bí ngô là tín hiệu báo cho những kẻ săn mồi rằng da của chúng mang một loại độc tố có thể gây chết người.
Loài cóc bí ngô mới này được mô tả gần đây trên tạp chí Plos One. Chúng được tìm thấy trong nỗ lực nghiên cứu sâu rộng trên khắp Brazil để tìm những con cóc bí ngô mới.
Các chuyên gia cho biết, việc xác định các sinh vật là rất quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học của nước này, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều loài phong phú như rừng Atlantic, nơi đã mất 93% diện tích che phủ ban đầu do nạn phá rừng và phát triển nông nghiệp.
Một con cóc bí ngô nhỏ bò ngang qua cây nấm màu cam sáng, đây là đặc điểm chung của môi trường sống của chúng.
Brazil có số lượng loài lưỡng cư cao nhất trên thế giới, ít nhất là một nghìn loài. Nhưng động vật lưỡng cư trên toàn thế giới là một trong những nhóm động vật có xương sống dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi biến đổi khí hậu.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Ivan Sergio Nunes Silva, nhà khoa học thuộc Đại học bang São Paulo, cho biết: “Là một nhà khoa học, khoảnh khắc vui nhất là khi bạn nhìn thấy cái gì đó mới và bạn là người duy nhất biết. Nhưng thật không may, ngày nay, chúng ta đang mất đi các loài chưa được xác định nhanh hơn tốc độ những loài mới được mô tả".
Câu chuyện thú vị về loài cóc mới
Hình ảnh về loài cóc bí ngô mới được phát hiện. Ảnh: Plos One.
Giáo sư Nunes và nhóm của ông đã tìm thấy loài cóc bí ngô B. rotenbergae qua 76 cuộc khảo sát thực địa từ năm 2018 đến năm 2019 ở dãy núi Mantiqueira cao 2.132 m so với mực nước biển. Họ dành hàng giờ lang thang trên các mỏm đá và những con suối chảy qua rừng.
Hầu hết các loài cóc bí ngô đều khá giống nhau. Chúng là những con ếch đặc biệt nhỏ bé, nằm trong số những loài nhỏ nhất trên thế giới với chiều dài chỉ hơn một cm và thường có làn da màu quýt, tươi sáng tiết ra một chất độc thần kinh cực mạnh.
Trở lại phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu DNA của 71 con cóc và so sánh chúng với các mẫu loài cóc bí ngô đã biết. Họ cũng phân tích các đặc điểm vật lý, cấu trúc xương, hành vi của chúng và ghi âm các cuộc gọi giao phối của chúng để xác định rằng đây là một loài mới.
Chẳng hạn, loài cóc bí ngô mới nhỏ hơn những loài cóc đã biết khác, với chiếc mõm nhỏ hơn. Các đặc điểm bất thường khác bao gồm các hoa văn màu đen, mờ trên da và sở thích sống ở độ cao hơn trong rừng Atlantic.
Ông Nunes cho biết, các loài sinh vật này không thể nghe thấy âm thanh tiếng gọi của chúng vì tai của chúng chưa phát triển.
“Giao tiếp của chúng về cơ bản là bằng hình ảnh, vì những con cóc này có thể giao tiếp bằng cách há miệng”, ông nói thêm.
Đặc biệt, có một điều bí ẩn là loài B. rotenbergae có các mảng xương trên hộp sọ và lưng phát tia huỳnh quang và có thể phát sáng qua da dưới ánh sáng tia cực tím, một bước sóng mà chúng có thể nhìn thấy, nhưng con người thì không. Ông Nunes cho biết thêm, chỉ có hai loài cóc bí ngô khác được biết là có khả năng phát sáng huỳnh quang. Ông không biết xương huỳnh quang dùng để làm gì, nhưng chúng có thể đóng vai trò trong giao tiếp.
Loài này có các mảng xương trên hộp sọ và lưng phát sáng màu xanh lục qua da dưới tia UV. Ảnh: Plos One.
Còn rất nhiều việc phải làm
Giáo sư Michel Varajao Garey, thuộc Viện Khoa học tự nhiên và đời sống Mỹ Latinh (ILACVN) cho biết, phương pháp tiếp cận của Giáo sư Nunes và các đồng nghiệp là toàn diện.
Một phương pháp kỹ lưỡng như vậy có thể “tiết lộ sự đa dạng vẫn chưa được biết đến” và có thể phân loại lại một số loài đã bị gắn nhãn sai.
Các tác giả cho biết, trên thực tế, cho đến khi có nghiên cứu này, loài B. rotenbergae đã bị phân loại nhầm thành B. ephippium vì trông rất giống.
Hiện chưa rõ số lượng của loài mới, nhưng ông Nunes và các đồng nghiệp hy vọng sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc khảo sát để tìm ra nơi nó sinh sống, cũng như tìm kiếm nhiều loài cóc bí ngô hơn.
Hầu hết các phần còn lại của rừng Atlantic được bảo vệ trong các khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng các khu vực này vẫn bị đe dọa bởi nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và sự thay đổi mục đích trong sử dụng đất. Mặc dù tỷ lệ phá rừng đang giảm ở Brazil, nhưng có hơn 28.000 mẫu đất rừng đã bị phá trong năm 2018.
Giáo sư Nunes hy vọng khám phá này sẽ truyền cảm hứng cho chính phủ và các tổ chức chăm sóc tốt hơn các nguồn tài nguyên của mình, trong đó có việc theo dõi chặt chẽ các loài bị đe dọa.
Giáo sư Nunes nói: “Thiên nhiên chỉ ổn định nếu nó đủ phức hệ. Điều này cho thấy sự đa dạng sinh học là điều tối quan trọng đối với một quốc gia rộng lớn như Brazil".
Theo HOA LAN (Báo Nhân Dân)