Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech. Ảnh: Reuters
Giới bác sĩ và các nhà khoa học đang nghiên cứu ba loại vaccine đang sử dụng tại Mỹ gồm Moderna, Pfizer và Johnson&Johnson nhằm tìm hiểu độ hiệu hữu của vaccine trước biến thể Delta có mức lây nhiễm cao và cơ chế xuất hiện “nhiễm đột phá”. Nghiên cứu mới nhất tại Israel, hiện ở giai đoạn chuẩn bị công bố khảo nghiệm, đã cho thấy những người tiêm vaccine Pfizer có khả năng dương tính với COVID-19 tập trung ở một khoảng thời nhất định.
Các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Leumit và Trung tâm Y khoa Shamir (Shamir Medical Center Institutional Review Board) tại Israel đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm 33.943 người trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine Pfizer. Họ chia thành ba nhóm, trên 60 tuổi, từ 40-59 tuổi và từ 18-39 tuổi và theo dõi trong nhiều tháng để xét nghiệm nhằm tìm ra “nhiễm đột phá’.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ nhiễm đột phá là 1,8% - một con số cho thấy vaccine vẫn rất hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia quan tâm hơn chính là việc tỉ lệ dương tính với “nhiễm đột phá” có xu hướng rơi vào những người đã có thời gian tiêm ngừa lâu, với mũi tiêm thứ hai kết thúc trước đó trên 5 tháng.
Phát hiện này cũng phù hợp với đánh giá của Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla đưa ra hồi tháng 7 về hiệu quả của vaccine, dù mức sai số có thể khác nhau so với nghiên cứu của phía Israel. Dựa trên kết quả nghiên cứu ở 44.000 người tại Mỹ và nhiều nước khác, lãnh đạo Pfizer cho biết độ hiệu quả của vaccine giảm xuống còn 84% sau từ 4-6 tháng, so với mức 96,2% tối đa đạt được sau 1 tuần đến 2 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai. Đây là lý do chính để Pfizer đưa ra đề nghị về tiêm mũi thứ ba bổ sung.
Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)