Ảnh minh họa: Earth.com
Trước đây, người ta cho rằng chỉ có các đầu dây thần kinh trên da và xung quanh nang lông mới có thể truyền cảm giác. Tuy nhiên, nang lông cũng đóng một vai trò trực tiếp không kém.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia tại Đại học Hoàng gia London ở Anh đã sử dụng quy trình giải trình tự RNA và đi đến phát hiện rằng: các tế bào trong một phần của nang lông, được gọi là vỏ rễ ngoài (ORS), có tỷ lệ thụ thể nhạy cảm với xúc giác cao hơn so với các tế bào tương đương trên da.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra môi trường nuôi cấy tế bào nang lông của con người cùng với các dây thần kinh cảm giác trong phòng thí nghiệm.
Khi các tế bào nang lông được kích thích cơ học, các dây thần kinh cảm giác bên cạnh chúng cũng được kích hoạt, báo hiệu sự tiếp xúc đó đã được ghi nhận.
Hơn nữa, thí nghiệm còn tiết lộ rằng các tế bào ORS giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và histamine thông qua các túi chứa nhỏ, như một cách truyền tín hiệu đến các tế bào xung quanh.
"Đó là một phát hiện thú vị vì nó gợi mở thêm nhiều câu hỏi khác về các tế bào ORS: Tại sao chúng có vai trò này và chúng ta có thể học được điều gì khác về cách cảm nhận của da khi được chạm vào?", nhà thần kinh học Parastoo Hashemi tại Đại học Hoàng gia London chia sẻ.
Các tế bào thần kinh cảm ứng được gọi là cơ quan cảm nhận cơ học. Chúng là lý do chúng ta có thể cảm nhận được mọi thứ, từ một làn gió nhẹ đến một lực ép mạnh. Trong trường hợp này, các tế bào nang lông đang tương tác đặc biệt với các cơ quan thụ cảm cơ học ngưỡng thấp (LTMR), có khả năng cảm nhận được những cú động chạm nhẹ nhàng.
Mặc dù người ta đã biết rằng lông trên cơ thể đóng vai trò quan trọng trong xúc giác nhưng nghiên cứu mới đây đã hé lộ sự tương tác sinh học chi tiết hơn giữa tế bào ORS và LTMR ngoài phản ứng cơ học đơn giản.
Kết quả của nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Science Advances.
Theo TTXVN